Chuyện gói mì tôm

Câu chuyện thời sự đáng chú ý về làng bóng nước nhà trong tuần vừa rồi là việc HLV trưởng Hữu Thắng quyết định tịch thu toàn bộ số mì tôm mà các cầu thủ U22 Việt Nam mang theo trong đợt tập huấn ở Hàn Quốc trước thềm SEAGames 29. Lý do là vì ông sợ các cầu thủ U22 Việt Nam sẽ ăn không đủ lượng và chất để luyện tập, thi đấu.

Thể hình của các cầu thủ U22 Việt Nam còn khiêm tốn so với các cầu thủ khác cùng lứa tuổi.
Thể hình của các cầu thủ U22 Việt Nam còn khiêm tốn so với các cầu thủ khác cùng lứa tuổi.

Theo ông Nguyễn Trọng Thủy, bác sĩ đi theo đội tuyển thì khi mang theo mì tôm, các cầu thủ sẽ có tâm lý lười ăn bữa chính, ăn không hết khẩu phần quy định và như vậy sẽ không thể bảo đảm thể lực sung mãn khi luyện tập cũng như trước các trận đầu. Được biết lệnh cấm ăn mì tôm và dự trữ mì tôm sẽ áp dụng cho các cầu thủ U22 Việt Nam cho tới khi kết thúc SEAGames 29.

Trên thực tế, chẳng riêng gì cầu thủ U22 Việt Nam mà hầu hết nếu không muốn nói là toàn bộ VĐV thể thao Việt Nam đều “thủ” mì tôm khi đi ra nước ngoài tập huấn hoặc thi đấu. Mì tôm có đặc tính là tiện lợi không phải nấu nướng, lại dễ ăn, nhưng rõ ràng là không thể cung cấp đủ năng lượng cho những người luyện tập, thi đấu thể thao. Ngoài một vài món ăn địa phương không hợp khẩu vị thì ở các trung tâm thể thao nơi VĐV Việt Nam đến tập huấn, thi đấu vẫn cung cấp nhiều loại thức ăn có tính phổ biến nhưng việc mang theo mì tôm khi ra nước ngoài để có thể ăn vào bất cứ lúc nào đã trở thành thói quen từ lâu của các VĐV Việt Nam. Ăn mì tôm không đủ chất đã đành, điều quan trọng hơn là các VĐV không ý thức được đó là hành vi vô kỷ luật trong ăn uống. Khi đã trở thành VĐV chuyên nghiệp, ăn uống là một mắt xích trong chuỗi hoạt động hằng ngày của họ và VĐV cần biết rằng việc ăn uống đúng cách phải được tuân thủ triệt để bởi đó là nghĩa vụ và trách nhiệm chứ không chỉ là việc cá nhân nữa. Đó là chưa kể thói quen tự ý ăn uống theo sở thích, thậm chí sử dụng dược phẩm mà không thông qua cán bộ y tế với suy nghĩ đơn giản rằng “chỉ là cảm xoàng, ốm vặt” đã khiến một số VĐV mất luôn sự nghiệp, như trường hợp của Ngân Thương (môn thể dục dụng cụ) bị treo giò vì lý do sử dụng doping, trong khi VĐV này chỉ dùng thuốc cảm thông thường nhưng không có sự tham vấn chuyên gia y tế.

Trở lại câu chuyện của đội tuyển U22 Việt Nam, hiển nhiên việc BHL đội cấm các cầu thủ ăn mì tôm là đúng đắn. Dù vậy việc cấm này không nên chỉ giới hạn cho đến hết SEAGames bởi các VĐV Việt Nam vốn trưởng thành trên nền thể chất kém, do đó khi còn là VĐV chuyên nghiệp, họ cần được khuyến khích sử dụng các loại thức ăn giàu dinh dưỡng giúp hỗ trợ tăng thể lực kể cả khi không tham gia thi đấu giải, thay vì thói quen thích gì ăn nấy không hề có lợi cho VĐV thể thao.