Chung tay cùng xã hội

Dịch Covid-19 bùng phát trở lại đã khiến lịch thi đấu Giải bóng đá vô địch quốc gia V.League 2021 xáo trộn, năm trong số bảy trận đấu của vòng 3 buộc phải hoãn, hai trận còn lại là Thanh Hóa - Nam Định và Sài Gòn FC - Sông Lam Nghệ An đều diễn ra trên sân không có khán giả. 

V.League 2021 sẽ phải tạm hoãn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Ảnh: LÊ MINH
V.League 2021 sẽ phải tạm hoãn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Ảnh: LÊ MINH

Bóng đá là môn thể thao có lượng khán giả đông đảo nhất, còn được gọi là môn thể thao “vua”. Ở Việt Nam, bóng đá được xã hội hóa từ hơn hai thập kỷ qua và trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của hàng triệu người hâm mộ. Mặc dù phải hoãn tới hai lần do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, giải đấu V.League 2020 đã diễn ra thành công trong bối cảnh hầu như mọi quốc gia trên thế giới đều phải ngưng mọi hoạt động thể thao, trong đó có bóng đá. Ở hai vòng đấu đầu tiên của V.League 2021, cảnh tượng hàng nghìn cổ động viên ngồi trên khán đài ở các trận đấu là hình ảnh đáng mơ ước đối với thế giới bóng đá nói chung. Điều đó chứng tỏ khả năng chống chịu và phòng dịch cực kỳ hiệu quả của Việt Nam.

Việc giải đấu một lần nữa phải hoãn lại dĩ nhiên là tin không vui với người hâm mộ bóng đá Việt Nam, nhưng đó là việc bắt buộc phải làm, bởi bóng đá là môi trường đám đông, va chạm nhiều và do đó rất dễ lây nhiễm. Người ta thường nói bóng đá giống như một xã hội thu nhỏ. Khi cả nước đang quyết liệt tiến hành dập tắt dịch bệnh và kích hoạt mức cảnh báo cao nhất, bóng đá không thể đứng ngoài. Chỉ khi chúng ta phòng, chống dịch thành công thì các giải đấu thể thao mới có điều kiện để tổ chức và về đích an toàn.

Ở hai vòng đấu đầu của V.League 2021 đã có nhiều bất ngờ xảy ra. Các đội tốp đầu V.League 2020 như Hà Nội FC, Viettel đều thi đấu không thành công, trong khi một số đội “dưới cơ” như Hải Phòng, SHB Đà Nẵng, Topeland Bình Định lại thi đấu rất khởi sắc. Giờ đây, khi giải đấu tạm hoãn, các đội sẽ phải tính toán lực lượng và cân đối sao cho luôn sẵn sàng lúc giải đấu trở lại. Phòng, chống đại dịch là một cuộc chiến cam go cần sự chung tay của toàn xã hội, trong đó có lĩnh vực bóng đá. Chúng ta hoàn toàn có đủ niềm tin chiến thắng đại dịch.