Khởi đầu hiệu ứng domino?

Có vẻ hệ lụy đầu tiên từ án phạt cấm dự cúp châu Âu hai năm của Man City đã xuất hiện, khi Kevin De Bruyne “bóng gió” về việc muốn ra đi. Nếu thành sự thật, đây rất có thể là khởi đầu của hiệu ứng domino khiến đội chủ sân Etihad trượt dài trên đà suy thoái.

Kevin De Bruyne (phải) đã 28 tuổi, và anh không muốn lãng phí những năm tháng đỉnh cao nhất sự nghiệp vì án phạt của UEFA dành cho Man City.
Kevin De Bruyne (phải) đã 28 tuổi, và anh không muốn lãng phí những năm tháng đỉnh cao nhất sự nghiệp vì án phạt của UEFA dành cho Man City.

Bruyne đang ở Bỉ trong thời gian giải Ngoại hạng Anh tạm hoãn vì dịch Covid-19. Vừa qua, trả lời truyền thông quê nhà, anh nói: “Hai năm không thi đấu cúp châu Âu là khoảng thời gian dài. Phía trước tôi vẫn là thử thách trở thành cầu thủ giỏi nhất. Chuyện gì phải đến sẽ đến”.

Trước đó, hồi tháng 2, Liên đoàn Bóng đá châu Âu (UEFA) tuyên bố Man City đã vi phạm các quy định của Luật Công bằng tài chính (FFP). Cụ thể, “The Citizens” đã dùng nhiều “mánh khoé” để hợp thức hóa những khoản tiền khổng lồ được “bơm” trực tiếp từ ông chủ Sheikh Mansour. City phải nộp phạt 25 triệu bảng và bị cấm dự cúp châu Âu trong hai năm.

Số tiền 25 triệu bảng chỉ là “muối bỏ bể” so tiềm lực tài chính của câu lạc bộ (CLB), nhưng án cấm thi đấu lại là đòn đau giáng vào tham vọng của họ. Nhiều chuyên gia dự đoán nếu không thể kháng án hoặc giảm án, City sẽ mất rất nhiều tiền từ tài trợ, quảng cáo, bản quyền truyền hình. Đáng lo hơn, họ sẽ suy thoái do không còn là điểm đến hấp dẫn các ngôi sao.

Nỗi lo đã manh nha thành thực tế sau phát ngôn của Kevin De Bruyne. Xavi Hernandez từng có một câu rất đắt để mô tả tầm quan trọng của De Bruyne: “Cậu ấy là Messi của Pep ở Etihad”. Tiền vệ người Bỉ, với nhãn quan tinh tế và những đường chuyền sắc lẹm, luôn đóng vai trò “bộ não” trong lối chơi của City.

Mùa này, Bruyne đang là chân chuyền số một châu Âu với 16 lần kiến tạo, xếp trên cả Messi “xịn” (12 lần). Trong vài năm City thống trị Premier League, anh chính là lá chủ bài đáng sợ nhất của Pep, với mỗi mùa gần 20 lần “dọn cỗ” cho đồng đội. Nói không quá, nếu Bruye ra đi, City sẽ mất ít nhất 30% sức mạnh, và tệ nhất là khả năng Pep cũng nói lời chia tay khi hết hợp đồng mùa hè năm sau.

CLB của Mansour không thể sau một đêm rơi xuống đáy vực, nhưng công sức hơn 10 năm ông gây dựng cho “The Citizens” sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều vì án phạt. Chưa kể sau phán quyết này, UEFA sẽ giám sát chặt chẽ hoạt động tài chính của City để làm gương cho các đội bóng khác. Tỷ phú người UAE vì vậy cũng sẽ không thể dễ dàng dùng tiền đưa CLB trở lại ngôi vị thống trị.

Theo Daily Mail, City đã thuê David Pannick, luật sư giỏi nhất nước Anh với thù lao tới 20 nghìn bảng/ngày, để kháng án lên Tòa án Trọng tài thể thao (CAS). Nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh, mọi việc vẫn đang đình trệ. Khó khăn thêm chồng chất với City khi truyền thông Anh tiết lộ, có tới tám trong 10 CLB tốp đầu Premier League nộp đơn lên CAS, yêu cầu giữ nguyên án phạt với thầy trò Pep Guardiola.