Gian nan ngày trở lại

Trừ Ligue 1 (Pháp), các giải bóng đá hàng đầu châu Âu đã “rục rịch” lên kế hoạch hoàn thành mùa giải còn dang dở vì dịch Covid-19. Nhưng với diễn biến khó lường của dịch bệnh này trên khắp “lục địa già”, chưa rõ hành trình đưa bóng đá “tái xuất” có thể thực hiện hay không.

Giải Đức đã sẵn sàng trở lại thi đấu vào 16-5, nhưng mọi chuyện có thể đổ bể vì biến cố tại CLB Dynamo Dresden.
Giải Đức đã sẵn sàng trở lại thi đấu vào 16-5, nhưng mọi chuyện có thể đổ bể vì biến cố tại CLB Dynamo Dresden.

Ít ngày trước, Ban tổ chức các giải bóng đá chuyên nghiệp Đức (DFL) đã ấn định 16-5 là ngày trở lại của Bundesliga và Bundesliga 2. Theo dự kiến, Đức sẽ là quốc gia cho phép các trận đấu trở lại sớm nhất so các giải lớn khác như Premier League (Anh), La Liga (Tây Ban Nha) hay Serie A (Italia).

Tuy nhiên, thông tin về việc Dynamo Dresden (CLB thuộc Bundesliga 2) vừa phát hiện hai ca nhiễm Covid-19 như “gáo nước lạnh” dội vào hy vọng của DFL. Dynamo Dresden phải cách ly toàn bộ cầu thủ, ban huấn luyện trong 14 ngày và không thể tham dự trận đấu với Hannover 96, lẽ ra được tổ chức vào tuần sau. Dự tính của DFL cũng vì biến cố này mà đứng trước nguy cơ đổ bể.

Cùng lúc ở Serie A, Fiorentina ghi nhận thêm sáu ca nhiễm Covid-19 mới, trong đó có ba cầu thủ. Đây là các trường hợp nhiễm bệnh được phát hiện khi ngành y tế Italia tiến hành lấy mẫu xét nghiệm nhằm chuẩn bị lộ trình cho các CLB trở lại. Từ đầu tháng 5, Chính phủ Italia đã cho phép các CLB tổ chức cho cầu thủ tập riêng, tiến đến sẽ tập nhóm và thi đấu.

Đáng lo, Fiorentina không phải CLB duy nhất phát hiện các ca dương tính virus SARS-CoV-2 trong giai đoạn này. Trước đó, Torino xuất hiện một ca nhiễm Covid-19, còn Sampdoria cũng xác nhận tới bốn ca mới. Tính tổng những ca lây nhiễm từ đầu mùa dịch, Serie A là giải đấu có nhiều cầu thủ nhiễm Covid-19 nhất trong các giải lớn ở châu Âu.

Cùng Premier League và La Liga, Serie A dự kiến trở lại đầu tháng 6. Nhưng với diễn biến phức tạp của dịch bệnh, không ai có thể nói trước điều gì. Cầu thủ cũng là con người và như bất kỳ ai, họ có quyền lo lắng cho sức khỏe của bản thân và gia đình trước dịch bệnh. Đến bây giờ, cuộc tranh cãi xem có nên hủy bỏ các giải đấu để bảo vệ cầu thủ hay không vẫn chưa ngã ngũ.

Các giải Pháp, Hà Lan và Bỉ là ba trong số ít giải quyết đoán chọn cách “xóa bàn cờ”, hoặc giữ nguyên kết quả trước khi nghỉ dịch. Tuy nhiên, chuyện này gây thiệt hại rất lớn về tài chính cho các CLB, thậm chí đặt họ trước nguy cơ phá sản.

KPMG, công ty hàng đầu thế giới về kiểm toán chỉ ra rằng, nếu mùa giải không thể hoàn tất, tổng giá trị cầu thủ ở châu Âu sẽ sụt giảm 9,4 tỷ euro. Thiệt hại về bản quyền truyền hình cũng là con số khổng lồ. Thí dụ như Premier League, nếu hủy bỏ chín vòng cuối cùng, số tiền phải trả là... gần 800 triệu bảng, đó là chưa kể các giải vô địch lớn có quan hệ mật thiết với Champions League và Europa League. “Môi hở, răng lạnh”, UEFA cũng đứng ngồi không yên với mỗi biến cố tại Đức hay Italia hiện tại.

Vì thế, hành trình trở lại của bóng đá châu Âu còn lắm gian nan.