“Bí quyết” của Man City

Cách đây ít hôm, khi được các phóng viên hỏi về “bí quyết” giành 19 chiến thắng liên tiếp ở mùa giải này, Pep Guardiola cười bảo: “Chúng tôi có rất nhiều tiền để mua các cầu thủ giỏi. Họ chơi mọi trận đấu chỉ với một suy nghĩ giành chiến thắng”. Diễn giải ra, chìa khóa thành công của Man City chỉ đơn giản là họ… giàu.

Vượt qua West Ham, Man City (trái) đã có 20 trận thắng liên tiếp trên mọi đấu trường, thành tích tốt nhất lịch sử CLB.
Vượt qua West Ham, Man City (trái) đã có 20 trận thắng liên tiếp trên mọi đấu trường, thành tích tốt nhất lịch sử CLB.

Man City giàu là chuyện không bàn cãi. Chẳng cần biết nội dung báo cáo tài chính hằng năm, chỉ cần nhìn tình hình chi tiêu mỗi mùa chuyển nhượng của họ là biết. Từ khi đưa Pep về giữ ghế huấn luyện năm 2016, đội bóng nửa xanh thành Manchester đã chi hơn 500 triệu bảng Anh để tăng cường lực lượng. Đáng ngạc nhiên là có đến 80% số tiền này được Pep sử dụng để “tậu” các cầu thủ phòng ngự.

Chỉ cần Pep chỉ tay vào cầu thủ nào, túi tiền không đáy của ông chủ Sheikh Mansour sẽ nhanh chóng đưa anh ta về Etihad. Chuyện mua sắm “vô tội vạ” của City (dẫn đến vi phạm Luật Công bằng tài chính) từng khiến City lao đao vì án phạt cấm tham dự Champions League hai năm từ UEFA. Nhưng sau đó không lâu, Tòa án trọng tài thể thao quốc tế (CAS) lại tuyên họ trắng án. Các CLB khác lắc đầu ngao ngán, còn City tiếp tục ngạo nghễ với vị thế của một “phú ông”.

Năm ngoái, ngay cả khi dịch Covid-19 làm kiệt quệ nền tài chính của cả làng bóng đá châu Âu, họ vẫn “nhẹ nhàng” chi hơn 150 triệu bảng mua cầu thủ. Họ mua nhiều đến mức, bây giờ Pep hầu như đủ hai lựa chọn có chất lượng tương đương ở mỗi vị trí. Chẳng hạn như cặp trung vệ, nơi hai chữ ký có tổng trị giá đến 100 triệu bảng là Aymeric Laporte và Nathan Ake, chỉ là những phương án dự bị.

Nhưng tiền không phải tất cả nguyên nhân thành công của City. Sau 5 năm ở Etihad, Pep đã dày công xây dựng triết lý bóng đá kiểm soát thế trận cho đội bóng. Ông nhào nặn, rèn giũa các cầu thủ từng chút một, nâng tầm tư duy chơi bóng cho họ. Dấu ấn thiên tài chiến thuật của Pep là ở đó.

City đã chấm dứt giai đoạn “hỗn mang” của Premier League mùa này, khi đến gần nửa mùa vẫn tồn tại năm, sáu đội bóng cạnh tranh ngôi đầu, vị trí liên tục bị xáo trộn. Con đường đã qua không thiếu chông gai, khi City đã mất tiền đạo chủ lực Aguero trong thời gian dài và cũng có giai đoạn thiếu vắng “bộ não” De Bruyne vì chấn thương. Nhưng một cách âm thầm và lạnh lùng, Pep đưa CLB vượt qua hàng loạt trở ngại để lúc này gần như đã chạm một tay vào ngôi vô địch, với ít nhất 10 điểm bỏ xa phần còn lại. 

Mối quan tâm lớn nhất với Pep hiện tại hẳn là Champions League, danh hiệu mà từ khi rời Barca, ông chưa một lần chinh phục lại. Lâu nay ở đấu trường châu Âu, City vẫn bị cười chê là “dại chợ”. Nhưng để xóa được cái “dớp” này, Pep cần bản lĩnh, đẳng cấp và cả một chút may mắn, những thứ mà tiền cũng không thể mua được.