Thổ Nhĩ Kỳ và NATO chia rẽ về hệ thống S-400

Tiếp tục khẳng định triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 mua của Nga, song Thổ Nhĩ Kỳ đã có bước đi nhằm trấn an quan ngại của NATO. Trong khi đó, Ankara vẫn bảo lưu quan điểm cứng rắn trước các đồng minh liên quan chiến dịch chống phiến quân người Kurd ở Syria.

Hệ thống phòng không S-400 gây tranh cãi giữa NATO và Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: GLOBAL RESEARCH
Hệ thống phòng không S-400 gây tranh cãi giữa NATO và Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: GLOBAL RESEARCH

Trong bình luận được hãng thông tấn Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ đăng tải ngày 26-11, Bộ trưởng Ngoại giao nước này tuyên bố, Thổ Nhĩ Kỳ không có nghĩa vụ cam kết không triển khai, hoặc sử dụng hệ thống phòng thủ đối với tên lửa phòng thủ S-400 do Nga chế tạo. Tuyên bố được đưa ra sau khi Nhà trắng cảnh báo, S-400 đe dọa các máy bay chiến đấu F-35 của Mỹ và Ankara sẽ đối mặt các lệnh trừng phạt mới của Washington nếu không từ bỏ thương vụ mua hệ thống tên lửa này của Nga.

Tuy nhiên, nhằm trấn an mối quan ngại không chỉ của Mỹ, mà của các đồng minh trong NATO, trong tuyên bố cùng ngày, người phát ngôn của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, ông Ibrahim Kalin cho biết, Ankara sẽ không tích hợp các hệ thống S-400 vào hệ thống phòng không và an ninh của NATO; S-400 sẽ là hệ thống phòng thủ độc lập. Tuyên bố được đưa ra tại một hội nghị về an ninh tổ chức tại Berlin (Đức).

Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ bị các đồng minh chỉ trích vì cản trở kế hoạch phòng vệ của NATO tại các nước Đông Âu. Reuters dẫn nguồn tin giới chức cấp cao NATO cho hay, Thổ Nhĩ Kỳ dường như đã ra “tối hậu thư” với NATO, khi từ chối phê chuẩn kế hoạch bảo đảm an ninh cho Ba Lan và các nước Baltic, nếu liên minh quân sự này không đưa ra quan điểm chính thức coi lực lượng vũ trang do người Kurd đứng đầu ở miền bắc Syria là “tổ chức khủng bố”. Đại diện Thổ Nhĩ Kỳ tại NATO đã được chỉ thị hoãn ký văn bản kế hoạch của NATO chừng nào NATO chưa công nhận nhóm Các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) ở Syria là khủng bố.

Viện dẫn quan ngại về “mối đe dọa từ Nga”, NATO chủ trương tăng ngân sách và hiện diện quân sự tại Ba Lan cùng ba nước Baltic là Estonia, Latvia và Litva. Kế hoạch này cần sự phê chuẩn của tất cả các nước thành viên. Việc Thổ Nhĩ Kỳ chưa ký kế hoạch này cho thấy rõ chia rẽ nội bộ NATO ngay trước thềm Hội nghị cấp cao kỷ niệm 70 năm thành lập liên minh quân sự xuyên Đại Tây Dương, vào tháng 12 tới tại Anh.