Thế giới lo ngại căng thẳng Mỹ - Iran leo thang

Lo ngại căng thẳng giữa Mỹ và Iran leo thang thành xung đột nghiêm trọng, thế giới tiếp tục kêu gọi các bên kiềm chế bạo lực, sau vụ Mỹ tiến công sân bay quốc tế Baghdad ở Iraq hôm 3-1, khiến Tư lệnh đơn vị Quds thuộc Lực lượng Vệ binh cách mạng Iran (IRGC) Qasem Soleimani thiệt mạng.

Tuần hành tại Mỹ lên án cuộc không kích ở Baghdad và việc triển khai bổ sung quân Mỹ tới Trung Đông. Ảnh: AP
Tuần hành tại Mỹ lên án cuộc không kích ở Baghdad và việc triển khai bổ sung quân Mỹ tới Trung Đông. Ảnh: AP

Lầu năm góc xác nhận Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ thị vụ không kích bằng máy bay không người lái ở sân bay Baghdad, với cáo buộc vị tướng Iran lên nhiều kế hoạch tiến công các mục tiêu và lực lượng Mỹ ở Iraq và khu vực Trung Đông. Mỹ đã triển khai thêm 3.000 binh sĩ tới Trung Đông, ban hành cảnh báo công dân về an toàn tại Iraq.

Lãnh tụ tinh thần tối cao Iran Ali Khamenei, Tổng thống nước này Hassan Rouhani ngay lập tức lên án, tuyên bố Mỹ phải chịu trách nhiệm về vụ sát hại Thiếu tướng Qasem Soleimani. IRGC cam kết sẽ cùng đồng minh trong khu vực đáp trả mạnh mẽ hành động của Mỹ. Iran đồng thời bác bỏ mọi cáo buộc của Mỹ cho rằng nước này đứng sau các cuộc tiến công nhằm vào các căn cứ và mục tiêu của Mỹ ở Iraq. Phong trào Hồi giáo Hezbollah ở Lebanon khẳng định, các đồng minh của IRGC sẽ khiến Mỹ phải “trả giá đắt”.

Tổng thống Iraq Barham Salih phản đối mọi hành động xâm phạm chủ quyền quốc gia Iraq, kêu gọi các bên kiềm chế, đồng thời cảnh báo căng thẳng Mỹ - Iran leo thang sẽ đẩy Iraq rơi vào bất ổn, làm tăng nguy cơ bạo lực trong khu vực. Chính phủ Iraq ngày 4-1 ban hành lệnh cấm mọi hoạt động của liên minh quốc tế do Mỹ đứng đầu, nếu không có sự chấp thuận của Thủ tướng Iraq. Trước đó, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tuyên bố tạm đình chỉ sứ mệnh huấn luyện tại Iraq. Trong khi người dân Iraq biểu tình phản đối Mỹ, một loạt vụ tiến công bằng rocket đã xảy ra nhắm vào các căn cứ của lực lượng Mỹ, được cho là đáp trả vụ không kích sân bay Baghdad.

Vụ việc cũng bị phản đối ngay trong nước Mỹ. Theo lãnh đạo Hạ viện, Quốc hội Mỹ không được tham vấn và cuộc không kích tại Iraq “không có sự cho phép sử dụng lực lượng quân sự” nhằm vào Iran. Nhiều nhóm vận động đã tổ chức biểu tình tại Washington và các thành phố, lên án cuộc không kích ở Baghdad và việc triển khai bổ sung quân Mỹ tới Trung Đông.

Một loạt quốc gia và tổ chức ngay lập tức bày tỏ lo ngại vụ không kích, sát hại tướng Iran, làm gia tăng các nguy cơ an ninh tại Trung Đông. Lãnh đạo Iraq và nhiều nước điện đàm, cam kết duy trì phối hợp nhằm ngăn chặn xung đột leo thang. Nga và Trung Quốc kêu gọi tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Iraq, khẳng định việc sử dụng vũ lực vi phạm Hiến chương LHQ là không thể chấp nhận. Lãnh đạo các nước Anh, Pháp, Đức kêu gọi các bên kiềm chế bạo lực...

Trước nguy cơ căng thẳng leo thang, Anh và một số nước tăng cường bảo vệ các căn cứ ở Trung Đông. Trong khi đó, nhiều nước cảnh báo công dân về đi lại tới khu vực này.