Phản đối hành động kỳ thị người gốc Á

Tại hơn 60 thành phố ở Mỹ cuối tuần qua, hàng nghìn người tham gia các cuộc tuần hành yêu cầu chấm dứt hành động bạo lực nhằm vào người gốc châu Á. Làn sóng tuần hành rầm rộ lan tới cả Canada, nhằm phản đối tình trạng kỳ thị chủng tộc.

Phong trào tuần hành yêu cầu chấm dứt bạo lực nhằm vào người gốc Á tại Mỹ. Ảnh: CNN
Phong trào tuần hành yêu cầu chấm dứt bạo lực nhằm vào người gốc Á tại Mỹ. Ảnh: CNN

Các cuộc tuần hành tại Mỹ được tổ chức trong “Ngày hàn gắn và hành động quốc gia” (26-3), theo sáng kiến của một số nghị sĩ đưa ra sau các vụ xả súng kinh hoàng ở thành phố Atlanta, bang Georgia, khiến tám người chết, trong đó có sáu phụ nữ gốc châu Á, cũng như sau một loạt vụ tiến công người gốc Á tại Mỹ gần đây. Sáng kiến khuyến khích người dùng mạng xã hội tham gia gắn hashtag “StopAsianHate”, nhằm lan tỏa thông điệp chấm dứt thù hận với người gốc Á. Nhiều hội thảo và sự kiện trực tuyến cũng được tổ chức với sự chủ trì của các lãnh đạo và đại diện các tổ chức của cộng đồng người Mỹ gốc Á. Chuỗi sự kiện kết thúc với lễ cầu nguyện cho các nạn nhân vụ xả súng ở Atlanta...

Cũng dịp này, một nhóm gồm 26 thống đốc bang trên khắp nước Mỹ, thuộc cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa, đã cùng ký một tuyên bố chung lên án tình trạng bạo lực gia tăng nhằm người gốc Á, cam kết hành động mạnh mẽ hơn để bảo vệ, hỗ trợ các cộng đồng người Mỹ gốc Á. Trước đó, Tổng thống Joe Biden và Phó Tổng thống Kamala Harris đã có các cuộc gặp các quan chức, nghị sĩ xuất thân từ cộng đồng gốc Á, khẳng định nỗ lực loại bỏ tình trạng phân biệt chủng tộc tại Mỹ.

Được tổ chức đúng dịp đạo luật đầu tiên về nhập quốc tịch Mỹ ra đời năm 1790, trong đó quy định cấm người nhập cư không phải người da trắng trở thành công dân Mỹ, “Ngày hàn gắn và hành động quốc gia” được tổ chức nhằm nhắc nhở về nạn kỳ thị, phân biệt chủng tộc vẫn đeo bám “xứ cờ hoa”. 

Tại Canada, rất đông người biểu tình cũng tập trung bên ngoài Bảo tàng nhân quyền Canada ở tỉnh Manitoba, giơ cao những biểu ngữ “Dừng thù ghét người gốc Á”, hay “Ngừng thù hận và bắt đầu yêu thương”... Hàng trăm người tham gia dòng xe tuần hành chạy quanh bảo tàng, hưởng ứng phong trào phản đối nạn kỳ thị và bạo lực nhằm vào người gốc Á ở khu vực Bắc Mỹ. 

Các hành động thù hận và bạo lực nhằm người gốc Á ở Bắc Mỹ tăng vọt sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Theo các báo cáo mới nhất, năm 2020, tỷ lệ tội phạm thù hận với người Mỹ gốc Á tăng tới 150% tại 16 thành phố lớn của nước này. Tại Canada, số người bị quấy rối hay tiến công liên quan chủng tộc, sắc tộc cũng tăng mạnh.