Nỗ lực chung tái thiết nền kinh tế toàn cầu

Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva đã kêu gọi các nước hợp tác để tái thiết nền kinh tế thế giới, vốn bị chao đảo do đại dịch Covid-19, đồng thời cảnh báo nguy cơ bất ổn cao đang phủ bóng lên các viễn cảnh kinh tế toàn cầu.

Bà Kristalina Georgieva kêu gọi các nước hợp tác tái thiết kinh tế toàn cầu. Ảnh: AP
Bà Kristalina Georgieva kêu gọi các nước hợp tác tái thiết kinh tế toàn cầu. Ảnh: AP

Tổng Giám đốc Georgieva bày tỏ quan ngại về tác động của đại dịch đối với dòng chảy thương mại và chuỗi cung ứng toàn cầu, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế phối hợp hành động để chống đại dịch và tái thiết nền kinh tế thế giới.

Những tuần qua, các nhà kinh tế liên tục cảnh báo rằng đại dịch sẽ đẩy thế giới vào suy thoái trầm trọng nhất kể từ cuộc Đại khủng hoảng vào những năm 30 của thế kỷ trước. Những dữ liệu kinh tế đã phản ánh mức độ thiệt hại to lớn do Covid-19 gây ra. Theo đó, GDP của Mỹ trong quý I-2020 giảm mạnh ở mức 4,8%. Đây là lần đầu GDP của Mỹ giảm theo quý mạnh nhất kể từ quý IV-2008. Tại châu Âu, nền kinh tế các nước Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) giảm 3,8% trong quý I-2020. Đây là mức sụt giảm lớn nhất của kinh tế Eurozone kể từ năm 1995. Trong khi đó, IMF dự đoán kinh tế năm 2020 của châu Á sẽ ngừng tăng trưởng lần đầu trong 60 năm qua. Kinh tế Trung Quốc, quốc gia đang bắt đầu nối lại các hoạt động kinh tế sớm hơn so các nước khác, cũng chỉ có thể phục hồi chậm chạp. Theo Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc, kinh tế nước này trong quý I-2020 đã giảm 6,8% so cùng kỳ năm 2019, lần giảm đầu tiên trong gần ba thập niên.

Hoạt động dịch vụ bị đứt gãy là một mối lo lớn đối với chính phủ nhiều nước, khi hàng triệu người đang làm việc cho các ngân hàng, công ty bán lẻ và trong ngành nhà hàng - khách sạn đang tiếp tục mất việc làm. Điều này làm gia tăng mối đe dọa từ tỷ lệ thất nghiệp leo thang đối với sự ổn định xã hội. Viễn cảnh này cũng sẽ là mối đe dọa đối với sự phục hồi kinh tế khi dịch bệnh qua đi. Các chuyên gia kinh tế cảnh báo, đại dịch toàn cầu này có thể khiến nền kinh tế thế giới thiệt hại hơn 1.000 tỷ USD do năng suất lao động giảm, sản xuất đình trệ, chuỗi cung ứng bị gián đoạn, đầu tư, thương mại và du lịch suy giảm nghiêm trọng...

Hiện nay, bài toán cân bằng kiểm soát Covid-19 và khôi phục kinh tế đang là thách thức đối với nhiều nước. Tại Mỹ, mặc dù nước này hiện là tâm dịch của thế giới với hơn 1,3 triệu ca nhiễm và hơn 80.000 ca tử vong, nhưng Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn đang hối thúc dỡ bỏ biện pháp phong tỏa để bình ổn kinh tế trước thềm bầu cử tổng thống vào tháng 11 tới. Trong khi đó, tại Italia, việc nới lỏng các quy định giãn cách xã hội đang được chính phủ triển khai thận trọng, theo từng bước, bên cạnh những bước đầu tiên trong chiến lược khôi phục kinh tế sau đại dịch.