Nga sẵn sàng hợp tác ổn định giá dầu

Nga tuyên bố vẫn “để ngỏ” cơ hội hợp tác sâu hơn với Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) nhằm bình ổn giá dầu. Trong khi đó, thị trường dầu mỏ thế giới bước đầu ổn định trở lại sau khi chứng kiến mức sụt giảm mạnh nhất trong gần 30 năm.

Các Bộ trưởng OPEC và OPEC+ tại một cuộc họp cuối năm 2019. Ảnh: REUTERS
Các Bộ trưởng OPEC và OPEC+ tại một cuộc họp cuối năm 2019. Ảnh: REUTERS

Phát biểu ý kiến với báo giới ngày 10-3, Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak khẳng định, việc không có thỏa thuận mới về cắt giảm sản lượng khai thác dầu không đồng nghĩa OPEC và các đối tác ngoài khối (còn gọi là OPEC+) không thể hợp tác. Nga có thể sử dụng các công cụ khác tiếp tục phối hợp nhằm ổn định giá dầu. Tuy nhiên, Moscow sẽ dỡ bỏ hạn chế về sản lượng từ ngày 1-4 tới, do thỏa thuận giữa Nga và OPEC đã hết hiệu lực.

Theo Bloomberg, thị trường năng lượng châu Á sôi động trở lại trong phiên mở cửa ngày 10-3, một ngày sau phiên giao dịch “thứ hai đen tối”, chứng kiến giá dầu giảm mức mạnh nhất kể từ chiến tranh vùng Vịnh năm 1991. Giá dầu đi lên được cho là nhờ các kế hoạch kích thích kinh tế được triển khai trên toàn cầu, trong bối cảnh dịch Covid-19 có xu hướng giảm bớt.

Trước đó, sau cuộc họp kéo dài nhiều giờ hôm 6-3, OPEC+ đã không đạt thỏa thuận tiếp tục cắt giảm sản lượng khai thác dầu. Theo đề xuất của Saudi Arabia, nhà xuất khẩu dầu lớn nhất trong OPEC, các nước sản xuất dầu mỏ trong và ngoài khối cắt giảm sản lượng thêm 1 - 1,5 triệu thùng mỗi ngày trong quý II tới, đồng thời kéo dài thỏa thuận của OPEC+, vốn quy định mức cắt giảm 2,1 triệu thùng/ngày. Tuy nhiên, Nga không tán thành việc cắt giảm sản lượng sâu hơn, nhưng “bỏ ngỏ” khả năng ủng hộ kéo dài thỏa thuận với OPEC.

Ngay sau đó, Saudi Arabia bất ngờ giảm giá dầu giao tháng 4 tới cho các đối tác châu Á, với mức giảm từ 4 - 6 USD/thùng, đồng thời lên kế hoạch tăng sản lượng khai thác dầu lên hơn 10 triệu thùng/ngày, từ mức 9,7 triệu thùng/ngày hiện nay. Trong khi đó, Nga cũng tuyên bố sẽ nâng sản lượng dầu, bất chấp thực tế giá dầu giảm kéo theo đồng nội tệ (ruble) của Nga xuống mức thấp nhất bốn năm qua.

Thỏa thuận OPEC+ nhằm mục tiêu vực dậy giá dầu thế giới, trong bối cảnh dịch Covid-19 khiến các hoạt động sản xuất, du lịch trì trệ, kéo theo nhu cầu dầu thế giới giảm sút. Việc Nga từ chối tham gia “liên minh giữ giá dầu” với OPEC được cho là nhằm gây áp lực với các nhà sản xuất dầu đá phiến của Mỹ, vốn rất cần duy trì giá dầu ở mức cao. Tuy nhiên, những động thái qua lại giữa Nga và Saudi Arabia đang gây lo ngại nguy cơ tái diễn một “cuộc chiến giá dầu”.