Nga kêu gọi cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran

Bộ trưởng Ngoại giao Iran Mohammad Javad Zarif tới Moscow ngày 30-12-2019 để thảo luận về quan hệ song phương cũng như các vấn đề khu vực và quốc tế với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov.

Hai Bộ trưởng Ngoại giao Iran và Nga (trái sang) gặp gỡ tại Thủ đô Moscow. Ảnh: AP
Hai Bộ trưởng Ngoại giao Iran và Nga (trái sang) gặp gỡ tại Thủ đô Moscow. Ảnh: AP

Hai bên tập trung thảo luận về quan hệ Nga - Iran, gồm việc phát triển các mối quan hệ chính trị, thương mại, kinh tế, nhân đạo và tình hình liên quan thỏa thuận hạt nhân Iran, còn gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA).

Phát biểu ý kiến sau cuộc gặp người đồng cấp Iran, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Lavrov cảnh báo, thỏa thuận hạt nhân giữa Iran với các cường quốc trên thế giới đang đối mặt nguy cơ đổ vỡ do cả Mỹ và Liên hiệp châu Âu (EU) không tuân thủ. Bộ trưởng Lavrov nhấn mạnh: “Do đường lối tiêu cực mà Mỹ đang duy trì, thành tựu quan trọng của ngoại giao quốc tế này đang có nguy cơ đổ vỡ”. Ông Lavrov cũng cáo buộc EU không tuân thủ đầy đủ thỏa thuận hạt nhân lịch sử.

Người đứng đầu ngành ngoại giao Nga tuyên bố, Moscow sẵn sàng góp phần cứu vãn JCPOA hiện bị Washington chôn vùi. Ông Lavrov khẳng định: “Chúng tôi sẵn sàng nghĩ cách làm thế nào để thoát khỏi cuộc khủng hoảng chung quanh thỏa thuận này, giải pháp trước tiên sẽ phù hợp với Iran do đây là vấn đề của nước này, đồng thời cũng sẽ chấp nhận được đối với tất cả các bên tham gia ký JCPOA”.

Bộ trưởng Ngoại giao Lavrov nhấn mạnh, Nga sẽ đề nghị Mỹ và EU thực thi đầy đủ trở lại những cam kết trong JCPOA, sau đó Iran cũng sẽ tuân thủ trở lại thỏa thuận. Theo ông Lavrov, đây là “giải pháp tối ưu”. Nếu không, thỏa thuận sẽ được xem là không còn tồn tại. Ông Lavrov cảnh báo, trong trường hợp này, sẽ không có bất kỳ cam kết nào ràng buộc các nước và điều này có thể dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng cho toàn bộ khu vực cũng như các mối quan hệ quốc tế nói chung.

Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Iran khẳng định, Tehran đã tôn trọng cam kết của mình, song Mỹ đã chính thức từ bỏ thỏa thuận và các nước châu Âu cũng từ chối thực thi nhiều cam kết của họ. Những động thái mà Iran đưa ra trong chín tháng vừa qua nằm trong khuôn khổ các điều khoản của JCPOA, đáp lại sự vi phạm của các nước khác.

JCPOA được Iran và nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức) ký năm 2015, qua đó dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với Iran để đổi lấy những hạn chế trong chương trình hạt nhân của Tehran. Tuy nhiên, Mỹ rút khỏi thỏa thuận này tháng 5-2018 và áp đặt lệnh trừng phạt kinh tế đối với Iran. Từ đầu tháng 7-2019 tới nay, sau nhiều lần kêu gọi các bên còn lại của thỏa thuận giúp Iran tránh các lệnh trừng phạt của Mỹ mà không có kết quả rõ ràng, Iran đã bốn lần điều chỉnh giảm phạm vi tuân thủ JCPOA.