Mỹ và Iran trao đổi tù nhân

Trong một thông báo trên tài khoản Twitter, Bộ trưởng Ngoại giao Iran M.Zarif cho biết, nhà khoa học M.Soleimani của nước này đã được nhà chức trách Mỹ phóng thích.

Nhà khoa học Mỹ Xiyue Wang (phải) được Iran trả tự do. Ảnh: AP
Nhà khoa học Mỹ Xiyue Wang (phải) được Iran trả tự do. Ảnh: AP

Hãng thông tấn quốc gia Iran IRNA thông báo, GS Soleimani được trả tự do sau một năm bị phía Mỹ giam giữ với cáo buộc vi phạm lệnh trừng phạt của Washington chống lại Tehran và các quan chức Iran tại Thụy Sĩ đã tiếp nhận ông.

Trước đó, Tổng thống Mỹ D.Trump tuyên bố, sau hơn ba năm bị giam giữ tại Iran, nhà nghiên cứu người Mỹ gốc Hoa Xiyue Wang đang trên đường trở về Mỹ. Ông Xiyue Wang bị Tehran tuyên án 10 năm tù với tội danh gián điệp. Bình luận trên tài khoản Twitter, Tổng thống Mỹ viết: “Cảm ơn Iran về một cuộc đàm phán rất công bằng”. Ông Trump cho rằng, cuộc trao đổi tù nhân giữa hai bên có thể là “điềm báo trước” việc hai bên có thể đạt được một thỏa thuận trong bối cảnh quan hệ song phương căng thẳng.

Quan hệ giữa Mỹ và Iran đã rơi vào khủng hoảng từ tháng 5-2018 khi Tổng thống Trump quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân lịch sử giữa Iran với Nhóm P5+1 ký năm 2015, có tên gọi Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA). Sau đó, Mỹ tái áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với quốc gia vùng Vịnh này nhằm ngăn chặn hoạt động xuất khẩu dầu mỏ, yêu cầu Iran đàm phán về một thỏa thuận mới.

Tuy nhiên, Tehran kiên quyết lập trường chỉ đàm phán khi Washington tham gia trở lại thỏa thuận hạt nhân và dỡ bỏ các lệnh trừng phạt. Tehran chỉ trích Anh, Pháp và Đức vì đã không bảo vệ được nền kinh tế Iran tránh được các lệnh trừng phạt của Mỹ. Hơn một năm kể từ khi Mỹ tuyên bố rút khỏi JCPOA, Iran bắt đầu giảm bớt các cam kết đối với thỏa thuận trên với lý do các bên khác không tuân thủ thỏa thuận. Trong quyết định mới nhất được đưa ra cuối tháng 11, Iran tuyên bố nối lại hoạt động làm giàu urani tại cơ sở Fordow ở miền nam khi bắt đầu bơm khí urani vào các máy ly tâm.

Trong bối cảnh JCPOA có nguy cơ đổ vỡ, các nước châu Âu cũng đang nỗ lực cứu vãn thỏa thuận này và kiềm chế Iran. Hiện các nước châu Âu cân nhắc kích hoạt cơ chế trong thỏa thuận vốn có thể dẫn tới việc tái áp đặt các lệnh trừng phạt của LHQ với Tehran. Giới phân tích nhận định, nếu các biện pháp trừng phạt của LHQ được tái áp đặt và JCPOA đổ vỡ, Iran có thể rút khỏi Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT), một động thái có thể gây bất ổn khu vực và làm leo thang cuộc chạy đua vũ trang.