Mỹ lên kế hoạch rút quân mới

Lầu năm góc ngày 17-11 xác nhận, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chỉ thị rút khoảng 2.500 binh sĩ Mỹ khỏi Afghanistan và Iraq. Theo Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chris Miller, kế hoạch rút quân phản ánh mong muốn của Tổng thống Trump nhằm dẫn dắt các cuộc chiến tới kết cục thành công, có trách nhiệm và đưa các quân nhân Mỹ trở về nhà. 

Binh sĩ Mỹ tại một căn cứ không quân ở Iraq. Ảnh: GETTY IMAGES
Binh sĩ Mỹ tại một căn cứ không quân ở Iraq. Ảnh: GETTY IMAGES

Theo kế hoạch, 2.000 binh sĩ tại Afghanistan và 500 người tại Iraq sẽ được cắt giảm, đưa quân số Mỹ tại hai chiến trường này cùng xuống còn 2.500 binh sĩ. Kế hoạch rút quân phải hoàn tất trước ngày 15-1-2021, muộn hơn so mục tiêu Tổng thống Trump từng tuyên bố vào dịp Giáng sinh tới, song vào thời điểm chỉ vài ngày trước khi Tổng thống mới nhậm chức. Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện, Thượng nghị sĩ Mitch McConnell ngay lập tức cảnh báo, chính quyền Tổng thống Trump không nên có những thay đổi lớn về chính sách quốc phòng và đối ngoại từ nay cho đến hết năm 2020. 

Có nhiều ý kiến tại Mỹ cảnh báo, kế hoạch rút quân của Lầu năm góc sẽ là “sai lầm” khi làm suy yếu an ninh vốn mong manh tại cả hai nước, nhất là ở Afghanistan. Theo kế hoạch, quân số Mỹ đồn trú tại Afghanistan sẽ xuống mức thấp nhất trong gần 20 năm qua. Việc lực lượng Mỹ rút đi không chỉ ảnh hưởng an ninh tại Afghanistan, mà còn tác động tiêu cực tới tiến trình hòa đàm nội bộ quốc gia Nam Á. Hiện, không có bảo đảm chắc chắn rằng phiến quân Taliban duy trì cam kết theo thỏa thuận đã ký với Mỹ.

Cùng ngày, Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR) cảnh báo, nếu tiến trình hòa bình ở Afghanistan sụp đổ và bạo lực tiếp diễn, “thảm họa nhân đạo” sẽ xảy ra, nhất là khi hàng nghìn người dân nước này phải vật lộn trong làn sóng dịch Covid-19 và mùa đông khắc nghiệt. Cảnh báo được đưa ra trong bối cảnh những tháng gần đây tình trạng bạo lực và bất ổn lại gia tăng ở Afghanistan, bất chấp tiến trình đối thoại quốc gia giữa chính quyền Kabul và phiến quân Taliban đã được khởi động.

Trong khi đó, Liên hiệp châu Âu (EU) cùng Mỹ và một số nước cấp viện trợ phát triển cho Afghanistan ký thỏa thuận, khẳng định tiếp tục hỗ trợ chính phủ và người dân nước này củng cố hòa bình và tái thiết đất nước. Trong văn kiện mới, các bên nhấn mạnh ủng hộ tiến trình hòa bình do người Afghanistan dẫn dắt và thực hiện, với một lệnh ngừng bắn toàn diện và bền vững, cùng các cam kết về dân chủ, pháp quyền...