Lebanon nỗ lực giải quyết khủng hoảng

Tổng thống Lebanon Michel Aoun đã yêu cầu các tướng lĩnh an ninh và quân đội ổn định tình hình tại trung tâm Thủ đô Beirut, nơi lực lượng an ninh đã đụng độ với người biểu tình tối 18-1, làm hàng chục người bị thương. Ông Aoun yêu cầu lực lượng quân đội bảo đảm an toàn cho người biểu tình hòa bình, tài sản công và tư, khôi phục bình yên tại trung tâm Beirut.

Lực lượng an ninh Lebanon được lệnh bảo đảm an toàn cho người biểu tình hòa bình. Ảnh: VOA NEWS
Lực lượng an ninh Lebanon được lệnh bảo đảm an toàn cho người biểu tình hòa bình. Ảnh: VOA NEWS

Làn sóng biểu tình chưa từng thấy tại Lebanon đã bùng phát cách đây ba tháng, xuất phát từ việc phản đối tham nhũng, sau đó chuyển sang sự tức giận vì cuộc khủng hoảng tài chính. Làn sóng biểu tình đã dẫn tới việc Thủ tướng Saad Hariri từ chức. Cựu Bộ trưởng Thông tin Hassan Diab đã được bổ nhiệm làm Thủ tướng và được giao nhiệm vụ lập chính phủ mới, song đến nay, một chính phủ mới vẫn chưa được thành lập. Người biểu tình yêu cầu một chính phủ gồm các nhà kỹ trị và phản đối tân Thủ tướng Diab, cho rằng việc bổ nhiệm này sẽ khôi phục quyền lực cho các đảng phái chính trị trong chính phủ cũ.

Sau một thời gian biểu tình hòa bình, người biểu tình lại xuống đường trong tuần qua phản đối Thủ tướng Hassan Diab và đụng độ với cảnh sát. Người biểu tình quá khích đã đập phá một số ngân hàng trên phố trung tâm Hamra ở Thủ đô Beirut và ném đá vào lực lượng cảnh sát chống bạo động, khiến cảnh sát phải sử dụng hơi cay để giải tán đám đông. Các lực lượng an ninh Lebanon đã bắt giữ hơn 100 người tham gia các cuộc biểu tình chống chính phủ, sau hai đêm biểu tình biến thành bạo lực tại Beirut.

Khủng hoảng chính trị xảy ra trong bối cảnh Lebanon đang rơi vào cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính nghiêm trọng do chính sách sai lầm của các chính phủ tiền nhiệm, dẫn đến nợ công vượt mức 86 tỷ USD. Trong những tháng qua, Lebanon đã chứng kiến sự khan hiếm của đồng USD do suy thoái kinh tế và sụt giảm nguồn tiền mặt do kiều hối giảm, làm giảm dự trữ ngoại tệ của Ngân hàng trung ương. Do vậy, các ngân hàng tại Lebanon phải áp đặt hạn mức đối với việc rút tiền tiết kiệm, gây lo ngại cho người gửi.

Thống đốc Ngân hàng trung ương Lebanon, ông Riad Salameh cho biết, các ngân hàng đã nhận được yêu cầu tăng vốn tổng cộng bốn tỷ USD vào tháng 6 tới mà không chia cổ tức cho cổ đông để bảo đảm đạt tổng vốn 5,5 tỷ USD. Ông Riad Salameh khẳng định, nếu tình hình chính trị trong nước được bảo đảm ổn định, ngành ngân hàng sẽ ngừng áp đặt hạn mức rút tiền và cho phép tất cả khách hàng chuyển tiền từ Lebanon đến các quốc gia khác theo lộ trình mà Ngân hàng trung ương Lebanon đã hoạch định.