Khủng hoảng Chính phủ Iraq

Sau khi Thủ tướng Iraq Abdul Mahdi thông báo quyết định sẽ đệ đơn từ chức, mở đường cho các nghị sĩ có thể lựa chọn một chính phủ mới, Văn phòng Thủ tướng Iraq cho biết ông A.Mahdi sẽ chuyển giao quyền lực một cách hòa bình theo cơ chế dân chủ.

Các cuộc biểu tình kéo dài đe dọa gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế Iraq. Ảnh: AP
Các cuộc biểu tình kéo dài đe dọa gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế Iraq. Ảnh: AP

Thủ tướng A.Mahdi đưa ra quyết định trên chỉ vài giờ sau khi Đại giáo chủ của người Hồi giáo dòng Shi’ite ở Iraq, ông A.Sistani kêu gọi thay đổi ban lãnh đạo đất nước trong bối cảnh tình hình bất ổn liên quan làn sóng biểu tình phản đối chính phủ kéo dài nhiều tuần qua. Thủ tướng Iraq đã tổ chức một phiên họp bất thường ngày 30-11 thảo luận về việc gửi đơn từ chức của mình lên Quốc hội và nhiệm vụ hằng ngày của chính phủ lâm thời theo Hiến pháp.

Tuyên bố của Văn phòng Thủ tướng cho biết, ông A.Mahdi đã nhấn mạnh nguyên tắc chuyển giao quyền lực một cách hòa bình, lưu ý rằng chính phủ đã rất nỗ lực để đáp ứng yêu cầu của người biểu tình bằng cách đưa ra các gói cải cách. Tại phiên họp, ông A.Mahdi kêu gọi Quốc hội tìm giải pháp phù hợp cho tình hình hiện nay và đề nghị các thành viên chính phủ tiếp tục nhiệm vụ đến khi thành lập được chính phủ mới.

Trước đó, LHQ đề xuất một lộ trình chia thành từng giai đoạn, đã được Đại giáo chủ A.Sistani chấp thuận, bao gồm lập tức chấm dứt bạo lực, cải cách bầu cử và thực thi các biện pháp chống tham nhũng, tiến tới sửa đổi Hiến pháp và hệ thống luật pháp trong thời gian ba tháng.

Kể từ ngày 1-10 vừa qua, hàng chục nghìn người Iraq đã xuống đường tham gia tuần hành tại Thủ đô Baghdad và các tỉnh miền nam yêu cầu chính quyền tiến hành cải cách toàn diện, cải thiện các dịch vụ công, tạo thêm việc làm cho người dân và chấm dứt nạn tham nhũng. Các cuộc biểu tình đặt ra thách thức lớn chưa từng thấy đối với chính phủ kể từ sau khi Iraq tuyên bố chiến thắng trong cuộc chiến chống tổ chức khủng bố tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) cách đây gần hai năm. Đây được xem là phong trào biểu tình lớn nhất và nghiêm trọng nhất ở Iraq trong nhiều thập niên qua.

Làn sóng biểu tình phản đối chính phủ đã đe dọa lợi ích ngành dầu mỏ cũng như việc các cảng của Iraq bị phong tỏa gây thiệt hại cho đất nước nhiều tỷ USD. Biểu tình đã làm trì hoãn việc vận chuyển hàng hóa, tác động đến tăng trưởng kinh tế, không đệ trình được ngân sách năm 2020. Đã có 400 người thiệt mạng trong các cuộc biểu tình biến thành bạo loạn đường phố này trong suốt hai tháng qua.