EU kích hoạt đình chỉ Hiệp ước Bình ổn

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) U.Leyen thông báo đình chỉ Hiệp ước Bình ổn để kiểm soát tốt hơn tình trạng khẩn cấp do dịch Covid-19 gây ra. Đây là lần đầu trong lịch sử, EC kích hoạt đình chỉ Hiệp ước Bình ổn.

Chủ tịch EC Leyen (giữa) thông báo về các gói cứu trợ kinh tế cho EU. Ảnh: EUROPEAN COMMISSION
Chủ tịch EC Leyen (giữa) thông báo về các gói cứu trợ kinh tế cho EU. Ảnh: EUROPEAN COMMISSION

Chủ tịch EC khẳng định, Hiệp ước được đình chỉ để “tâm dịch” Italia có thể “bơm” thêm tiền vào nền kinh tế khi cần. Chủ tịch U.Leyen cho biết, EC sẽ áp dụng sự linh hoạt cao nhất trong hỗ trợ các quốc gia thành viên Liên hiệp châu Âu (EU) và với việc tạm ngừng Hiệp ước Bình ổn, Chính phủ Italia có thể hỗ trợ các doanh nghiệp, thị trường lao động và đầu tư hơn nữa vào hệ thống y tế.

Bà Leyen nêu rõ, không một quốc gia thành viên EU nào có thể đơn phương đối mặt mối đe dọa và tất cả công cụ hữu ích sẽ được đưa ra bàn thảo, đồng thời nêu rõ EU sẽ không bao giờ cho phép lợi ích của các quốc gia riêng lẻ được ưu tiên. Khi một số quốc gia thành viên EU đóng cửa biên giới nội bộ, EU lập tức thảo luận về các hành lang dành riêng cho hoạt động vận chuyển hàng hóa, nhu yếu phẩm cần thiết và thiết bị y tế. Bà Leyen khẳng định, EC phải duy trì thị trường chung châu Âu hoạt động và linh hoạt nhất có thể. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng quyết định không cắt giảm lãi suất như kỳ vọng của thị trường, mà thông qua gói kích thích kinh tế trị giá lên tới 120 tỷ euro nhằm hỗ trợ nền kinh tế châu Âu, đặc biệt là các ngân hàng gặp khó khăn do dịch.

Trong khi đó, các nước thành viên EU cũng chủ động thông qua những gói kích thích kinh tế. Chính phủ Đức đã công bố gói cứu trợ kinh tế lớn nhất trong lịch sử hậu chiến của nước này, quyết định hỗ trợ 550 tỷ euro cho các công ty mới khởi nghiệp. Pháp đã công bố một gói tài chính trị giá 45 tỷ euro để hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động đối phó dịch, đồng thời sẽ bảo lãnh tín dụng 330 tỷ euro cho các doanh nghiệp. Chính phủ Italia có kế hoạch “bơm” một lượng thanh khoản rất lớn vào hệ thống tài chính trong nước nhằm mang lại nguồn tiền mặt 340 tỷ euro cho nền kinh tế. Tây Ban Nha thông báo gói tài chính trị giá 200 tỷ euro nhằm hỗ trợ các công ty, bảo vệ người lao động và những tổ chức bị ảnh hưởng bởi dịch. Gói tài chính này tương đương khoảng 20% GDP của Tây Ban Nha.