Cử tri EU bầu Nghị viện châu Âu

Ngày 26-5, cử tri tại 21 nước thành viên Liên hiệp châu Âu (EU) đi bỏ phiếu để bầu ra các đại diện quốc gia trong Nghị viện châu Âu (EP). Trước đó, từ ngày 23 đến 25-5, cuộc bầu cử cơ quan lập pháp châu Âu đã được tổ chức liên tiếp tại bảy nước EU, lần lượt là Hà Lan, Anh, Ireland, Malta, Slovakia, Latvia và CH Czech. Hơn 400 triệu cử tri EU sẽ lựa chọn các đại diện của 751 ghế thành viên EP.

Cử tri Hà Lan tham gia cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu. Ảnh: NEW EUROPE
Cử tri Hà Lan tham gia cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu. Ảnh: NEW EUROPE

Cuộc bỏ phiếu ngày 26-5 có ý nghĩa quan trọng bởi có sự tham gia của cử tri các nước “đầu tàu” EU, như Đức, Pháp, Italia, Tây Ban Nha… Là quốc gia lớn nhất châu Âu cả về quy mô dân số và nền kinh tế, Đức được phân bổ nhiều ghế nhất tại EP. Chạy đua giành 96 ghế EP, tại Đức có tới 41 đảng tham gia. Tại Pháp, cũng có 34 đảng tranh cử. Các cuộc khảo sát trước bầu cử cho thấy, phần đông cử tri Đức vẫn do dự, chưa quyết định bầu cho đảng nào. Trong khi đó, tại Pháp, đảng cực hữu, có xu hướng hoài nghi hội nhập châu Âu có thể giành nhiều phiếu ủng hộ hơn.

Hầu hết các cuộc thăm dò ý kiến cử tri trước bầu cử cho thấy, phe dân túy và cực hữu phản đối nhập cư không hào hứng với chủ trương hội nhập của EU có thể giành lượng lớn phiếu ủng hộ. Đây là điều gây quan ngại, ảnh hưởng mục tiêu tạo sức mạnh đoàn kết của các đảng phái ủng hộ châu Âu trong kỳ bầu cử EP lần này. Tuy nhiên, các kết quả sơ bộ và khảo sát bên ngoài phòng bỏ phiếu tại hai cuộc bầu cử ở Hà Lan và Ireland vừa qua gây nhiều bất ngờ. Tại Hà Lan, Công đảng thuộc phe cánh tả ủng hộ EU có thể giành nhiều ghế nhất tại EP. Tại Ireland, đảng Fine Gael thân EU của Thủ tướng Leo Varadkar nhiều khả năng giành thắng lợi… Tại Anh, đảng Brexit mới thành lập, với tư tưởng hoài nghi EU, cũng được dự đoán có thể thắng lớn, song những ghế dành cho các nghị sĩ Anh tại EP hiện vẫn phụ thuộc tiến trình nước Anh rời EU (Brexit), vốn có triển vọng còn rất mơ hồ.

Cuộc bầu cử EP năm 2019 diễn ra trong bối cảnh EU gặp nhiều khó khăn, các chính phủ châu Âu lo ngại rằng tỷ lệ những nghị sĩ có tư tưởng bài châu Âu được bầu ở mức cao có thể tác động tới khả năng thống nhất quyết định tại cơ quan lập pháp của “lục địa già”. Đây đã là kỳ bầu cử EP lần thứ chín, kể từ lần đầu tổ chức vào năm 1979, song số lượng cử tri tham gia sự kiện quan trọng của châu lục này ngày càng thu hẹp.