Chile cải cách Hiến pháp

Các đảng phái chính trị ở Chile vừa đạt được một thỏa thuận lịch sử tại Quốc hội, theo đó ấn định trưng cầu ý dân về dự thảo Hiến pháp mới, thay thế bản Hiến pháp từ thời chế độ độc tài. Dự thảo Hiến pháp mới đáp ứng những đòi hỏi chủ yếu của người biểu tình, được kỳ vọng giúp chấm dứt cuộc khủng hoảng xã hội kéo dài một tháng qua tại quốc gia Nam Mỹ này.

Đại diện các lực lượng chính trị ở Chile họp báo sau buổi ký văn bản liên quan thay đổi Hiến pháp. Ảnh: CNA
Đại diện các lực lượng chính trị ở Chile họp báo sau buổi ký văn bản liên quan thay đổi Hiến pháp. Ảnh: CNA

Hiến pháp hiện hành ở Chile do chính quyền quân sự của cựu Tổng thống Augusto Pinochet ban hành và có hiệu lực từ năm 1980. Trải qua nhiều lần sửa đổi, song văn kiện pháp lý cao nhất này vẫn không đề cập “trách nhiệm của Nhà nước” trong việc cung cấp các dịch vụ công, nhất là về giáo dục và y tế, vốn là những yêu cầu hàng đầu của cả triệu người dân Chile trong đợt biểu tình, tuần hành vừa qua.

Sau nhiều giờ tranh luận căng thẳng hôm 15-11, liên minh cầm quyền của Tổng thống Sebastian Pinera và các đảng đối lập chính đã ký văn bản mang tên “Thỏa thuận vì hòa bình và Hiến pháp mới”. Quốc hội Chile đã bỏ phiếu và thông qua quyết định tổ chức trưng cầu ý dân vào tháng 4-2020, với hai câu hỏi chính dành cho cử tri là: Có thay đổi Hiến pháp hiện hành hay không; và nếu có, thì văn kiện mới nên được soạn thảo như thế nào?

Bản thỏa thuận giữa các đảng phái và quyết định của Quốc hội Chile nêu trên được hoan nghênh là bước đi lịch sử, đáp ứng được mong muốn thiết thực và cấp bách của người dân. Chính phủ Tổng thống Sebastian Pinera đánh giá đây là bước đi đầu tiên, tạo nền tảng cho một xã hội mới, một ngôi nhà mới, trong đó tất cả người dân Chile sẽ đóng vai trò lãnh đạo.

Cuộc khủng hoảng xã hội nghiêm trọng bùng nổ tại Chile từ giữa tháng 10 vừa qua, ban đầu là các cuộc biểu tình sau khi chính phủ quyết định tăng giá vé tàu điện ngầm, sau đó phát triển thành làn sóng tuần hành phản đối tình trạng bất bình đẳng kinh tế và bất công xã hội. Các hành vi quá khích như đốt phá, cướp bóc và đụng độ với lực lượng an ninh gây tình trạng bất ổn và thiệt hại kinh tế. Có ít nhất 20 người chết, hàng trăm người bị thương, gần 10 nghìn người bị bắt giữ. Tuy nhiên, hầu hết các cuộc khảo sát đều cho thấy làn sóng biểu tình phản đối bất bình đẳng nhận được sự ủng hộ của khoảng 75% số người dân Chile.

Nhằm xoa dịu căng thẳng xã hội, Chính phủ Tổng thống Sebastian Pinera đã tiến hành một loạt biện pháp, trong đó có quy định bảo đảm mức lương tối thiểu 467 USD/tháng. Theo kết quả khảo sát do tổ chức Cadem công bố đầu tháng 11, có tới 87% số người dân Chile ủng hộ cải cách Hiến pháp.