Căng thẳng Nga - Ukraine leo thang

Tình hình tại miền đông Ukraine căng thẳng những ngày qua, khi quân đội và phe ly khai đều tăng cường lực lượng và cáo buộc lẫn nhau khơi mào bạo lực, vi phạm lệnh ngừng bắn.

Một binh sĩ quân đội Chính phủ Ukraine tại Donetsk. Ảnh: REUTERS
Một binh sĩ quân đội Chính phủ Ukraine tại Donetsk. Ảnh: REUTERS

Trước sức nóng tại vùng Donbass, Nga tăng cường hiện diện quân sự tại biên giới giáp Ukraine và tiến hành tập trận tại bán đảo Crimea, khẳng định đây là hoạt động bình thường, nhằm bảo đảm an ninh quốc gia. Tuy nhiên, Ukraine chỉ trích Nga và tìm kiếm sự ủng hộ của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Giao tranh bùng nổ tại khu vực đường giới tuyến ở Donetsk, miền đông Ukraine, đã phá vỡ thỏa thuận ngừng bắn đạt được hồi tháng 7-2020. Căng thẳng gia tăng khi có thông tin nói Chính phủ Ukraine có kế hoạch phát động chiến dịch quân sự tại miền đông và Quốc hội ra nghị quyết cáo buộc Nga liên quan căng thẳng ở Donbass. Ngày 10-4, quân đội Ukraine bác bỏ tin nói sắp tiến công lực lượng ly khai miền đông, song khẳng định sẽ hành động nếu tình hình tồi tệ hơn.

Trước đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenski trực tiếp thị sát tình hình an ninh tại miền đông. Cùng việc kêu gọi NATO tập trận chung, ông Zelenski có các cuộc điện đàm, thảo luận với các đối tác phương Tây và thăm Thổ Nhĩ Kỳ. Ukraine tiếp tục cáo buộc Nga làm nóng tình hình tại Donbass qua việc hậu thuẫn lực lượng ly khai ở miền đông Ukraine. Tổng thống Zelenski khẳng định, Mỹ và NATO ủng hộ Kiev ổn định tình hình miền đông, đối phó việc Nga tăng cường lực lượng sát biên giới. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cũng kêu gọi nỗ lực giảm căng thẳng tại miền đông Ukraine.

Trong khi đó, Nga cảnh báo Ukraine về việc lên kế hoạch tập trận cùng NATO. Cùng hoạt động tăng cường luân chuyển lực lượng ở khu vực biên giới giáp Ukraine, Nga cũng thông báo kế hoạch tập trận ở Crimea. Bộ Quốc phòng Nga xác nhận đã điều động tàu chiến và lực lượng hải quân từ biển Caspi tới Biển Đen tham gia các cuộc tập trận. Moscow nhắc lại lập trường cho rằng, hoạt động quân sự tiến hành trên lãnh thổ Nga không đe dọa bất kỳ quốc gia nào. 

Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken ngày 10-4 đã điện đàm với người đồng cấp Anh Dminic Raab về tình hình tại Ukraine, sau khi đã thảo luận riêng rẽ với những người đồng cấp Pháp và Đức. Trong các cuộc điện đàm, các quan chức Mỹ, Anh, Đức và Pháp đều nhấn mạnh ủng hộ Kiev.

Nhiều nước kêu gọi các bên kiềm chế hành động có thể khiến căng thẳng tiếp tục leo thang. Các nước cho rằng, cần duy trì cơ chế đàm phán hòa bình bốn bên, giữa Nga, Đức, Pháp và Ukraine và triển khai đầy đủ thỏa thuận Minsk đã đạt được, nhằm khôi phục an ninh tại miền đông Ukraine.