Căn cứ Mỹ tại Iraq tiếp tục bị tiến công

Căn cứ quân sự Taji ở phía bắc Thủ đô Baghdad của Iraq, nơi có binh sĩ Mỹ đồn trú, tiếp tục là mục tiêu tiến công bằng rocket. Các nguồn tin an ninh của cả Iraq và Mỹ xác nhận, hàng chục quả rocket đã rơi trúng căn cứ này hôm 14-3, chỉ ba ngày sau loạt vụ tiến công tương tự.

Hiện trường vụ tiến công căn cứ Taji tại Iraq. Ảnh: REUTERS
Hiện trường vụ tiến công căn cứ Taji tại Iraq. Ảnh: REUTERS

Theo thông báo của Ủy ban các chiến dịch phối hợp tại Iraq, có ít nhất hai quân nhân Iraq bị thương sau loạt vụ pháo kích mới nhất. Lực lượng an ninh Iraq sau đó tìm thấy bảy bệ phóng rocket và vô hiệu hóa hơn 20 quả rocket khác được sử dụng trong vụ tiến công căn cứ Taji. Chưa có tổ chức hay lực lượng nào nhận thực hiện vụ tiến công, trong khi lực lượng Mỹ tại Iraq cho biết, đang đánh giá vụ việc.

Trước đó, hôm 11-3, căn cứ Taji hứng chịu loạt tiến công với 18 quả rocket, khiến hai người Mỹ và một người Anh thiệt mạng. Một ngày sau, lực lượng Mỹ trả đũa bằng chiến dịch không kích trong đêm, nhằm vào 5 cơ sở của nhóm vũ trang Kataeb Hezbollah mà Mỹ cho là “thân Iran”. Nhóm này không nhận trách nhiệm, song tuyên bố “ủng hộ” vụ nã rocket vào căn cứ Taji. Đây là vụ tiến công lớn thứ 22 nhằm vào các cơ sở của Mỹ tại Iraq, gồm cả Đại sứ quán Mỹ ở Baghdad, kể từ cuối tháng 10-2019.

Ngay sau đó, Bộ Ngoại giao Iraq đã triệu Đại sứ Mỹ và trao công hàm phản đối. Tổng thống Iraq Barham Salih lên án loạt vụ không kích của Mỹ là “vi phạm chủ quyền quốc gia”, có thể khiến tình hình Iraq bất ổn hơn. Quân đội Iraq xác nhận, có ba quân nhân, hai cảnh sát và một nhân viên dân sự Iraq thiệt mạng trong chiến dịch không kích của Mỹ.

Trong khi đó, Iran phủ nhận cáo buộc của Mỹ cho rằng, Tehran hậu thuẫn các nhóm phiến quân ở Iraq. Ngày 13-3, Iran cảnh báo Mỹ về “những hành động nguy hiểm” sau khi Mỹ triển khai các đợt không kích mà Washington tuyên bố là nhằm vào các nhóm tay súng do Tehran hậu thuẫn ở Iraq. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Abbas Mousavi nhấn mạnh rằng, Mỹ không thể đổ lỗi cho các nước khác về hậu quả của “sự hiện diện bất hợp pháp” tại Iraq. Thay vì thực hiện những hành động nguy hiểm và cáo buộc vô căn cứ, Washington nên xem lại sự hiện diện và động thái của binh sĩ Mỹ trong khu vực.

Căng thẳng giữa Mỹ và Iran, cùng những vụ tiến công đáp trả lẫn nhau giữa lực lượng Mỹ và các nhóm phiến quân đang đặt Iraq trước nguy cơ bất ổn an ninh. Chính phủ Iraq kêu gọi Mỹ và các đối tác trong liên quân quốc tế chống khủng bố ngừng trả đũa vụ tiến công ngày 14-3, tránh mọi hành động có thể làm leo thang xung đột với các nhóm vũ trang tại Iraq.