Bất đồng trong đàm phán thương mại Mỹ - Trung Quốc

Trung Quốc và Mỹ vừa có những tuyên bố trái chiều về tiến triển của các vòng đàm phán thương mại giữa hai nước. Trong tuyên bố mới nhất, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết, Phó Thủ tướng Lưu Hạc đã điện đàm với Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin. Theo đó, hai bên đã có “cuộc thảo luận mang tính xây dựng” về mối quan tâm cốt lõi của nhau liên quan thỏa thuận giai đoạn 1.

Các vòng đàm phán thương mại giữa Mỹ (trái) và Trung Quốc vẫn tồn tại bất đồng. Ảnh: AP
Các vòng đàm phán thương mại giữa Mỹ (trái) và Trung Quốc vẫn tồn tại bất đồng. Ảnh: AP

Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 19-11 cảnh báo, thất bại trong việc đạt được thỏa thuận thương mại với Trung Quốc sẽ dẫn tới các mức thuế quan mới. Phát biểu ý kiến với báo giới tại Nhà trắng, ông Trump nêu rõ: “Nếu chúng ta không đạt được một thỏa thuận với Trung Quốc, thì tôi sẽ ngay lập tức tăng thuế cao hơn nữa”. Bình luận cứng rắn này của ông Trump cho thấy Washington và Bắc Kinh vẫn đang chia rẽ trong nhiều vấn đề liên quan thỏa thuận.

Đến nay, Tổng thống Trump chưa đồng ý dỡ bỏ bất cứ mức thuế bổ sung nào đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, trong khi quy mô của cam kết Trung Quốc mua nông sản Mỹ cũng chưa rõ ràng. Mặc dù phía Trung Quốc đồng ý tăng hơn gấp đôi lượng nông sản nhập khẩu từ Mỹ, trị giá từ 40 - 50 tỷ USD/năm, tuy nhiên Bắc Kinh muốn việc mua bán này dựa trên nhu cầu của thị trường. Trong khi đó, ông Trump vẫn đắn đo trước mong muốn của Trung Quốc về việc dỡ bỏ thuế bổ sung là một phần của thỏa thuận. Tháng 10 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump bày tỏ hy vọng sẽ ký kết thỏa thuận một phần với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại Chile, song sự kiện này đã bị nước chủ nhà hủy đăng cai.

Trong bối cảnh trên, mới đây, hai Thượng nghị sĩ có tầm ảnh hưởng lớn ở Mỹ là Chuck Schumer của đảng Dân chủ và Tom Cotton của đảng Cộng hòa đã gửi thư yêu cầu chính phủ nước này nhanh chóng ban hành các quy định kiểm soát chặt chẽ hơn nữa đối với hoạt động xuất khẩu các công nghệ tinh vi sang Trung Quốc. Cùng lúc, Tiểu ban Điều tra Thường trực Thượng viện Mỹ công bố báo cáo cho thấy, Chính phủ Mỹ không chủ động đối phó mối đe dọa từ hoạt động tình báo kinh tế và công nghệ của Trung Quốc, đồng thời thiếu một chiến lược toàn diện để giải quyết tình trạng này. Theo báo cáo, đây là vấn đề đặc biệt cấp bách bởi hàng tỷ USD tiền thuế của người dân Mỹ đầu tư vào hoạt động nghiên cứu đã “góp phần” vào sự trỗi dậy của Trung Quốc trong suốt 20 năm qua.