Bạo lực tại Jerusalem gây lo ngại

Căng thẳng gia tăng những ngày qua tại Jerusalem, khi người Palestine phản đối cảnh sát Israel ngăn họ vào khu vực thành cổ trong tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo.

Cảnh sát Israel đụng độ người biểu tình Palestine tại khu vực đền Al-Aqsa ở Jerusalem. Ảnh: REUTERS
Cảnh sát Israel đụng độ người biểu tình Palestine tại khu vực đền Al-Aqsa ở Jerusalem. Ảnh: REUTERS

Mới nhất, các vụ đụng độ giữa cảnh sát Israel với người biểu tình Palestine tại Đông Jerusalem ngày 9-5 khiến nhiều người bị thương.

Trước đó, ngày 8-5, các vụ đụng độ tại khu vực đền Al-Aqsa ở Jerusalem khiến hơn 200 người bị thương. Xung đột xảy ra khi cảnh sát chống báo động của Israel sử dụng vòi rồng, đạn cao-su và lựu đạn gây choáng chống lại hàng trăm người biểu tình Palestine; một số người Palestine quá khích ném đá, chai lọ và pháo hoa tự chế về phía lực lượng Israel. Cảnh sát Israel khẳng định cần khôi phục trật tự, sau khi người Palestine có hành vi bạo động sau lễ cầu nguyện.

Lo ngại dấy lên trong dư luận quốc tế trước tình trạng bạo lực bùng lên nghiêm trọng tại Jerusalem. Ngày 8-5, các thành viên Bộ tứ Trung Đông, gồm Nga, Mỹ, Liên hiệp châu Âu (EU) và LHQ, ra tuyên bố chung nhấn mạnh quan ngại về tình trạng bạo lực leo thang tại Đông Jerusalem và kêu gọi các bên kiềm chế. Bộ tứ cũng nêu lo ngại trước những tuyên bố mang tính kích động của một số nhóm chính trị, các hành động bắn rocket và thả bóng bay gây cháy từ dải Gaza về phía Israel, nhất là hành vi “tiến công” đất canh tác và nơi ở của người Palestine ở Bờ Tây. Bộ tứ Trung Đông kêu gọi lực lượng chức năng Israel kiềm chế, tránh triển khai các biện pháp có thể khiến tình hình thêm phức tạp. Nhóm hòa giải khẳng định lại cam kết thúc đẩy giải pháp hai nhà nước trong giải quyết xung đột giữa Israel và Palestine.

Nhiều nước bày tỏ lo ngại về tình trạng bạo lực leo thang ở Jerusalem. Các nước trong khu vực Trung Đông như Iran, Iraq, Libya, Jordan và Thổ Nhĩ Kỳ chỉ trích hành vi bạo lực nhằm người Palestine, thúc giục cộng đồng quốc tế gây sức ép với Israel. Saudi Arabia còn lên án hành động của lực lượng chức năng Israel đuổi người Palestine khỏi nhà của họ, nhằm áp đặt chủ quyền; nhấn mạnh đây là hành vi vi phạm luật quốc tế, cản trở nỗ lực tìm giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột Israel - Palestine dựa trên giải pháp hai nhà nước. Vừa bình thường hóa quan hệ với Israel, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) cũng chỉ trích hành vi bạo lực với người Palestine, kêu gọi Israel có động thái giảm căng thẳng...

Bên ngoài khu vực, Nga lên án hành động tiến công dân thường và kêu gọi các bên kiềm chế, tránh mọi hành động khiến bạo lực leo thang. Moscow cũng nhắc lại quan điểm phản đối việc chiếm đất và bất động sản, xây khu định cư trên các vùng đất Palestine bị chiếm đóng. Malaysia lên án hành vi vi phạm luật pháp quốc tế; khẳng định ủng hộ công cuộc đấu tranh của người Palestines vì một nhà nước độc lập.