Xáo trộn trong khủng hoảng đa chiều

Năm 2020 ghi vào lịch sử nhân loại một cuộc khủng hoảng đa chiều, thể hiện qua bức tranh toàn cảnh thế giới nhiều sắc màu đối nghịch: Đỏ của xung đột; xám của kinh tế xuống dốc và nghèo đói gia tăng; vàng của thiên tai và dịch bệnh… Nguồn cơn xáo trộn là đại dịch Covid-19, một thách thức an ninh phi truyền thống chưa từng có, làm đảo lộn mọi mặt đời sống quốc tế, làm thay đổi cách thức vận hành xã hội và phương thức điều hành của các chính phủ.

Biếm họa của MAHMOUD RIFAI
Biếm họa của MAHMOUD RIFAI

Thời điểm virus gây Covid-19 được phát hiện đầu tiên ở Trung Quốc cuối năm 2019, không ai có thể ước lượng được tổn thất nghiêm trọng mà nó gây ra cho thế giới. Trước khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố đại dịch toàn cầu, thì Covid-19 đã kịp gây hoang mang và xáo trộn. Đóng cửa biên giới, phong tỏa, giãn cách xã hội được lựa chọn đầu tiên. Chỉ vài tuần sau khi đại dịch bùng phát, một phần ba quy mô nền kinh tế toàn cầu bị “đóng cửa”, khởi nguồn cho vòng suy thoái mới, tồi tệ chẳng kém đại khủng hoảng những năm 30 thế kỷ trước. Đại dịch tác động sâu sắc tới cục diện chính trị, an ninh quốc tế, gây chia rẽ và làm bộc lộ yếu kém của hệ thống quản trị toàn cầu, thách thức các cơ chế đa phương. 

Về biến động và chia rẽ trong năm 2020, nước Mỹ là một thí dụ điển hình. Covid-19 âm thầm thâm nhập “xứ cờ hoa” giữa lúc Nhà trắng và Quốc hội còn mải tranh cãi trong một sự kiện hiếm hoi là phiên luận tội tổng thống. Có thể, do bị phân tâm vì phiên luận tội, ban đầu lại chưa quan tâm đúng mức độ nguy hiểm của Covid-19, nên chính quyền Tổng thống Donald Trump bị chỉ trích coi nhẹ đại dịch, khiến Mỹ luôn đứng đầu danh sách chịu tác động của Covid-19 và chìm trong cuộc khủng hoảng đa chiều về sức khỏe cộng đồng, bất ổn xã hội và suy thoái kinh tế. Bùng phát ngay đầu năm, Covid-19 còn phá hỏng cả một năm bầu cử quan trọng, nới rộng chia rẽ chính trường và xã hội Mỹ sau cuộc bầu cử nhiều bất ngờ và hoài nghi. Tranh cãi về nguồn gốc khởi phát đại dịch, Mỹ rút lại cam kết với WHO, căng thẳng với Trung Quốc khiến thành tựu đột phá là thoả thuận thương mại giai đoạn 1 giữa hai nước trở nên mờ nhạt. Đơn phương rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở, Mỹ cũng chưa nhất trí với Nga về gia hạn Hiệp ước cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược (START mới)…

Xáo trộn ở châu Âu cũng không kém phần nghiêm trọng. Covid-19 đẩy số liệu về kinh tế xuống một trong những mức tệ hại nhất lịch sử châu lục. Sau khoảng thời gian hoảng loạn ban đầu, châu Âu phải hứng chịu các làn sóng bùng phát dịch liên tiếp, đến cuối năm vẫn chưa thoát khỏi vòng luẩn quẩn phong tỏa - mở cửa kinh tế, trong khi hy vọng từ vaccine ngừa Covid-19 còn mong manh. Năm 2020 đáng lẽ là khởi đầu các chính sách của ban lãnh đạo mới Liên hiệp châu Âu (EU), song đại dịch chẳng những khiến EU phải điều chỉnh tham vọng, mà còn làm suy yếu nguồn lực, làm tăng khoảng cách giữa mong muốn chính trị và năng lực thực tế của châu Âu. 

Xáo trộn trong khủng hoảng đa chiều -0
Biếm họa của ELENA 

Giữa lúc nội bộ còn lục đục, nguy cơ khủng bố, mâu thuẫn tôn giáo và sắc tộc trở lại “lục địa già”, EU vẫn phải ứng phó môi trường bên ngoài ngày càng phức tạp, khi cạnh tranh nước lớn gay gắt hơn, các “vùng ảnh hưởng” của EU lại chia rẽ, đe dọa an ninh chung quanh châu Âu gia tăng. Ngoài thách thức từ phía đông là Nga và phía nam là khu vực Bắc Phi, thách thức từ Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc khủng hoảng ở đông Địa Trung Hải, hay cuộc xung đột ở Nagorno - Karabakh, càng làm tăng các vấn đề nan giải cho châu Âu. Gần một năm đàm phán cam go đã đem đến thỏa thuận phút chót, giúp EU tạm yên tâm về quan hệ với nước Anh thời hậu Brexit. Song, triển vọng quan hệ với đối tác hàng đầu là Mỹ còn chưa rõ ràng.

Ở nơi vốn bị xem là “vùng trũng xung đột” và vào thời điểm 10 năm sau làn sóng “Mùa xuân Arab”, Trung Đông vẫn bất ổn, song đã xuất hiện một vài bước đột phá trong giải quyết khủng hoảng. Chiến sự ở Yemen và Syria tiếp diễn, cục diện chính trị tại Libya vẫn bế tắc dù lệnh ngừng bắn đã đạt được. Trong khi đó, tình trạng đối đầu Mỹ - Iran leo thang sau vụ vị tướng Iran bị sát hại trong cuộc không kích của Mỹ. Kế hoạch hòa bình Trung Đông mới của Mỹ không được hoan nghênh, trong khi thỏa thuận của Israel với sự ủng hộ của Mỹ về bình thường hóa quan hệ với một số nước Arab làm phức tạp thêm tiến trình hòa bình với Palestine. 

Là một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nhất do dịch Covid-19, trong đó Brazil đứng thứ ba thế giới về số ca bệnh, Mỹ latin chứng kiến sự sụt giảm kinh tế mạnh nhất trong hàng chục năm qua. Song, tình hình chính trị khá ổn định. Trong khi Peru rơi vào khủng hoảng, khi liên tiếp thay đổi Tổng thống, thì đảng Xã hội chủ nghĩa thống nhất Venezuela (PSUV) bảo toàn vị thế và đảng Phong trào tiến lên xã hội chủ nghĩa (MAS) khôi phục sự lãnh đạo tại Bolivia, cho thấy cơ hội lực lượng cánh tả trỗi dậy trở lại ở khu vực.

Trong bối cảnh đầy thách thức, ASEAN nổi bật về sự đoàn kết, cùng nhau vượt bão Covid-19, trở thành điển hình cho xu thế liên kết, hợp tác đa phương. Vượt qua thách thức, trụ vững trong vòng xoáy cạnh tranh chiến lược gay gắt, ASEAN thực hiện thành công mục tiêu kép, vừa chống chọi dịch bệnh, vừa thúc đẩy xây dựng Cộng đồng, theo tinh thần “gắn kết và chủ động thích ứng. ASEAN giữ vững vị trí trung tâm trong các cơ chế ở khu vực, là lựa chọn đối tác chủ chốt trong các chiến lược của Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia về khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, rộng mở và dựa trên luật lệ.

Đại dịch cho thấy bất kể quốc gia nào, dù lớn hay nhỏ, giàu hay nghèo, đều mong manh trước Covid-19, không quốc gia đơn lẻ nào có thể một mình vượt qua. LHQ vẫn là tổ chức đa phương có vai trò quan trọng nhất, gắn kết và điều phối các nỗ lực chung, đưa thế giới bước vào giai đoạn phục hồi sau đại dịch, không kém phần gian nan.