Vượt qua trở ngại

Khóa họp lần thứ 73 Đại hội đồng Tổ chức Y tế thế giới (WHA) vừa diễn ra đã nhất trí lan tỏa tình đoàn kết và hợp tác quốc tế chống đại dịch. Tuy nhiên, còn nhiều trở ngại cần vượt qua, không chỉ trong nỗ lực tìm hiểu nguồn gốc virus hay phát triển vaccine phòng Covid-19, mà cả những tranh cãi gay gắt về vai trò và tài trợ cho Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Biếm họa của SONG CHEN
Biếm họa của SONG CHEN

Khóa họp WHA trong hai ngày 18 và 19-5 vừa qua thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận, bởi diễn ra theo hình thức trực tuyến, lại trong bối cảnh khác thường, khi đại dịch trên toàn cầu đã khiến hơn 300 nghìn người chết, hơn 4,7 triệu người nhiễm bệnh và đẩy kinh tế thế giới lún sâu vào suy thoái. Căng thẳng liên quan tranh cãi về nguồn lây nhiễm và cách thức ứng phó Covid-19 càng làm gia tăng quan ngại kỳ họp năm nay của WHA có thể bị biến thành “sàn đấu” để các nước lớn bảo vệ lợi ích chính trị, chứ không còn là nơi để các nhà hoạch định chính sách y tế tìm tiếng nói chung trong ứng phó đại dịch.

Ba chủ đề nóng nhất tại khóa họp gồm: nguồn gốc dịch Covid-19; phát triển và phân phối vaccine; tranh cãi Mỹ - Trung Quốc và quyết định của Washington “đóng băng” tài trợ WHO. Các chủ đề này cùng xuất phát từ căng thẳng giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới. Mỹ liên tiếp đổ lỗi cho Trung Quốc làm lây lan virus gây Covid-19 và ứng phó dịch bệnh không hiệu quả. Mỹ chỉ trích cả vai trò của WHO và ngừng các khoản đóng góp cho hoạt động của tổ chức thực hiện vai trò điều phối các nỗ lực chống chọi đại dịch. Trong bình luận trên Twitter đúng dịp khóa họp WHA, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố duy trì “đóng băng” viện trợ và đặt “hạn chót 30 ngày” để WHO thực hiện cải cách thực chất, thậm chí dọa xem xét lại tư cách thành viên WHO của Mỹ.

Trong khi đó, Trung Quốc bác bỏ cáo buộc của Mỹ; khẳng định luôn công khai và minh bạch thông tin liên quan dịch Covid-19. Trong phát biểu tại hội nghị WHA, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố, Bắc Kinh ủng hộ cuộc “rà soát toàn diện”, điều tra khách quan và công bằng về ứng phó toàn cầu với dịch Covid-19. Chính phủ Trung Quốc cam kết góp hai tỷ USD trong hai năm tới, hỗ trợ các nỗ lực chống dịch trên thế giới; khẳng định sẽ chia sẻ vaccine ngừa Covid-19 mà Trung Quốc phát triển được.

Tranh cãi Mỹ - Trung Quốc chưa đi đến hồi kết, song động thái Washington rút lại tài trợ WHO liên tiếp nhận búa rìu chỉ trích, không chỉ từ cộng đồng quốc tế, mà từ chính dư luận “xứ cờ hoa”. Phe Dân chủ tại Mỹ nhận định, việc chính quyền Tổng thống Donald Trump ngừng tài trợ tổ chức đang dẫn dắt cuộc chiến toàn cầu chống Covid-19 là “hành động vô nghĩa. Hiệp hội Y khoa và Phòng Thương mại Mỹ cũng cho đây là bước đi nguy hiểm, không phục vụ lợi ích quốc gia của Mỹ. Trong khi đó, các nước tiếp tục khẳng định ủng hộ vai trò điều phối của WHO.

Trong báo cáo đưa ra tại khóa họp WHA, cơ quan giám sát độc lập của WHO khẳng định tổ chức này đã thể hiện “vai trò dẫn đầu” trong ứng phó đại dịch vừa qua. Báo cáo còn cảnh báo rằng, những toan tính “chính trị hóa” các biện pháp ứng phó Covid-19 đang cản trở nỗ lực kiểm soát dịch bệnh trên toàn cầu. Tại khóa họp, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres nêu bật “vai trò không thể thay thế” của WHO, khi nhận định rằng nhiều nước phải trả giá đắt vì phớt lờ các khuyến cáo của tổ chức này. LHQ còn kêu gọi đóng góp lớn hơn cho WHO nhằm hỗ trợ các nước đang phát triển chống Covid-19.

Tại khóa họp WHA, hơn 100 quốc gia bày tỏ quan tâm đặc biệt và ủng hộ dự thảo nghị quyết của Australia về điều tra nguồn gốc Covid-19. Lý do chính là nhằm giúp đẩy nhanh tiến trình phát triển, sản xuất và phân phối cân bằng vaccine và thuốc đặc trị Covid-19; giảm bất đồng chính trị và tăng gắn kết, phối hợp chống dịch; và phòng tránh các nguy cơ dịch bệnh tương tự trong tương lai.

Điều cấp bách nhất là vượt qua trở ngại để thúc đẩy hợp tác toàn cầu sớm chấm dứt dịch bệnh. Vì thế, hầu hết các nước thành viên WHA tại khóa họp vừa qua đều đề cao tinh thần đoàn kết, khẳng định đây là “vũ khí mạnh nhất” trong nỗ lực tập thể nhằm vượt qua đại dịch.