Vòng xoáy nguy hiểm

Mỹ và Nga đang xúc tiến các biện pháp đáp trả lẫn nhau liên quan vụ đầu độc cựu điệp viên Sergei Skripal và con gái tại Anh. Trong vòng xoáy trừng phạt - trả đũa chưa có hồi kết này, thiệt hại đối với cả hai bên về mặt quan hệ ngoại giao cũng như kinh tế là điều khó tránh khỏi.

Biếm họa của PODVITSKI
Biếm họa của PODVITSKI

Ngày 10-8, Thủ tướng Nga D.Medvedev cảnh báo, Moscow sẽ coi việc Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga liên quan vụ cựu điệp viên bị đầu độc tại Anh là một tuyên bố “chiến tranh kinh tế”. TASS dẫn lời Thủ tướng Nga nêu rõ: “Nếu cần thiết, cần phải đáp trả cuộc chiến tranh này về kinh tế, chính trị cũng như các cách thức khác”. Ông nhấn mạnh “những người bạn Mỹ của chúng ta cần hiểu điều này”.

Hôm 8-8, Mỹ tuyên bố sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga sau khi Washington kết luận rằng Moscow đã sử dụng vũ khí hóa học, cụ thể là chất độc thần kinh, để đầu độc cựu điệp viên Sergei Skripal và con gái của ông này tại Anh. Dự kiến, những biện pháp trừng phạt mới của Mỹ nhằm vào Nga sẽ có hiệu lực từ ngày 22-8 tới.

AP dẫn lời một quan chức cấp cao thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, các biện pháp trừng phạt sẽ được thực hiện thành hai đợt, trong đó đợt đầu tác động lớn nhất, bao gồm việc cấm cấp phép xuất khẩu các mặt hàng an ninh quốc gia nhạy cảm sang Nga. Các mặt hàng này bao gồm công nghệ khí đốt và dầu mỏ, một số mặt hàng điện tử và cảm biến. Sau 90 ngày, nếu Nga không đáp ứng yêu cầu của phía Mỹ đòi Moscow từ bỏ việc sử dụng vũ khí hóa học và cho phép các quan sát viên quốc tế đến Nga giám sát tiến trình đó, gói trừng phạt thứ hai sẽ được áp dụng, bao gồm hạ mức quan hệ ngoại giao, “đóng băng” quan hệ thương mại và có thể cấm hãng hàng không Aeroflot của Nga bay sang Mỹ.

Đại sứ quán Nga tại Mỹ cho rằng, lý do Washington đưa ra để áp đặt trừng phạt là gượng ép, không có bất cứ bằng chứng nào chứng minh cáo buộc của Mỹ. Điện Kremlin đã chỉ trích lệnh trừng phạt trên là trái với luật pháp quốc tế, “hoàn toàn không thân thiện”, đi ngược lại bầu không khí xây dựng trong cuộc gặp cấp cao giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tháng trước, song cho biết Moscow vẫn hy vọng sự cải thiện trong quan hệ song phương.

Trước đó, cựu Đại tá tình báo Nga Sergei Skripal và con gái Yulia nguy kịch sau khi nghi bị trúng chất độc thần kinh Novichok tại thành phố Salisbury của Anh hồi tháng 3-2018. Liên quan vụ việc này, cảnh sát Anh đã xác định được một số đối tượng khả nghi qua camera an ninh và kiểm tra chéo hồ sơ của những người nhập cảnh Anh vào thời gian đó. Giới điều tra Anh tin rằng, không phải chỉ một mà có vài nghi phạm liên quan vụ đầu độc cựu điệp viên Skripal, đồng thời cáo buộc Nga đứng đằng sau vụ việc. Đại diện thường trực của Nga tại Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW), ông A.Shulgin nhấn mạnh, Moscow sẽ không chấp nhận bất cứ kết luận nào liên quan vụ đầu độc cho tới khi các chuyên gia của nước này được tiếp xúc với nạn nhân, cũng như tiếp cận các mẫu hóa chất và kết quả phân tích của các chuyên gia OPCW.

Từ khi nhậm chức, Tổng thống Trump đã có những động thái mềm mỏng hơn với Nga bất chấp sự chỉ trích và cảnh báo của các nhà lập pháp Mỹ. Gần đây nhất, “ông chủ” Nhà trắng đã tiến hành hội nghị cấp cao với người đồng cấp Nga tại Helsinki (Phần Lan) ngày 16-7 vừa qua, và bác bỏ cáo buộc Moscow liên quan nghi vấn can thiệp cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016.

Tuy nhiên, thái độ cũng như cách hành xử của ông Trump liên tục thay đổi, khiến nhiều ý kiến lo ngại mối quan hệ giữa Mỹ và Nga khó có thể “cơm lành, canh ngọt” trong tương lai gần. Trước khi tuyên bố về các gói trừng phạt mới, Mỹ đã áp đặt lệnh trừng phạt cứng rắn đối với Nga liên quan nhiều vấn đề. Do đó, việc Washington đẩy quan hệ với Moscow lên nấc thang căng thẳng mới được giới quan sát dự báo tiềm ẩn nguy cơ đưa Mỹ và Nga rơi vào vòng xoáy của một cuộc Chiến tranh Lạnh thứ hai.