Vòng xoáy bất ổn

Hàng chục người chết và bị thương trong vụ đụng độ giữa lực lượng an ninh Afghanistan và các tay súng thuộc tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS). Đáng chú ý, vụ bạo lực mới nhất xảy ra trùng thời điểm kết thúc lệnh ngừng bắn nhân lễ Hiến sinh, động thái được kỳ vọng đánh dấu mốc quan trọng, mở ra cơ hội mới cho hòa bình ở quốc gia Nam Á.

Biếm họa của SABIR NAZAR
Biếm họa của SABIR NAZAR

Giới chức địa phương xác nhận, ít nhất 24 người chết và gần 50 người bị thương, gồm nhiều dân thường, khi một nhóm khoảng 30 tay súng IS đã tiến công và đối đầu với lực lượng an ninh tại một nhà tù ở TP Jalalabad, thuộc tỉnh Nangarhar ở miền đông Afghanistan hôm 3-8. Cơ sở này do chính quyền Kabul điều hành, trong số người bị giam giữ có gần 300 tay súng IS. Vụ tiến công kéo theo đấu súng ác liệt sang cả ngày 4-8, khiến hàng trăm tù nhân trốn thoát. IS tuyên bố thực hiện vụ tiến công này, trong khi lực lượng Taliban bác bỏ mọi dính líu.

Vụ bạo lực mới nhất xảy ra vào thời điểm “nhạy cảm” với Afghanistan, khi lệnh ngừng bắn tạm thời giữa Chính phủ và Taliban hết hiệu lực. Từ ngày 31-7, các lực lượng an ninh Afghanistan và Taliban bắt đầu thực thi ngừng bắn trong ba ngày cuối tuần trước, nhân lễ Hiến sinh. Taliban còn tuyên bố sẵn sàng khởi động đối thoại với Chính phủ ngay sau khi dịp lễ quan trọng của người Hồi giáo kết thúc. Đây là lệnh ngừng bắn chính thức thứ 3 trong cuộc xung đột kéo dài 19 năm qua tại Afghanistan và được kỳ vọng có thể giúp khởi động cuộc đàm phán quốc gia vốn bị trì hoãn từ lâu. Kabul kêu gọi phiến quân kéo dài thực thi ngừng bắn nhằm đáp lại một cách tương xứng thiện chí và nỗ lực của Chính phủ.

IS tiến công nhằm nhà tù giữa lúc vấn đề tù nhân nóng lên, khi Chính phủ Afghanistan và Taliban bước vào giai đoạn cuối hoàn tất trao đổi tù nhân để hướng tới đàm phán hòa bình trực tiếp. Theo thỏa thuận Mỹ và Taliban ký hồi tháng 2, Taliban cam kết trả tự do cho 1.000 nhân viên an ninh, đổi lại Chính phủ thả 5.000 phiến quân. Đến nay, Taliban tuyên bố đã trao trả toàn bộ số nhân viên an ninh bị nhóm này giam giữ, chính quyền Kabul thả khoảng 4.900 tay súng theo yêu cầu của Taliban. Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani từ chối trao trả số còn lại với lý do những phiến quân này phạm tội nghiêm trọng, như tham gia các vụ tiến công đẫm máu, trong đó có vụ đánh bom Đại sứ quán Đức năm 2017. Đổi lại, Kabul sẽ phóng thích thêm các tù nhân ngoài danh sách của Taliban, sau khi tổ chức cuộc tham vấn các lãnh đạo bộ tộc, dự kiến trong tháng 8 này.

Với Taliban, việc trao đổi tù nhân với Kabul là bước đi đầu tiên, tiền đề quan trọng để hai bên ngồi vào bàn đối thoại. Hôm 3-8, Taliban cho biết đại diện lực lượng này tại Doha (Qatar) đã thảo luận khẩn cấp với Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ về việc khởi động đối thoại quốc gia ở Afghanistan. Trong đó, Taliban nhắc lại yêu cầu rằng việc hoàn thành cam kết trao đổi tù nhân là điều kiện bắt buộc để khởi động đàm phán với chính quyền Kabul, hoặc bất kỳ lực lượng nào ở Afghanistan nhằm tìm giải pháp chính trị cho cuộc xung đột ở nước này. Hiện, Nhà trắng chưa bình luận về thông tin mà Taliban đưa ra.

Theo báo cáo mới nhất của LHQ, con số thương vong cho dân thường tại Afghanistan có xu hướng giảm trong sáu tháng đầu năm 2020. Song, tình trạng bạo lực vẫn gia tăng, nhất là các cuộc tiến công nhằm các cơ quan và lực lượng của Chính phủ. Tính riêng thời gian từ sau khi Mỹ và Taliban ký thỏa thuận hồi tháng 2, đã có khoảng 3.500 binh sĩ và nhân viên an ninh Afghanistan chết trong các vụ tiến công, đụng độ với phiến quân. LHQ cảnh báo, xung đột kéo dài tại Afghanistan vẫn là một trong những cuộc khủng hoảng gây chết chóc nhiều nhất trên thế giới, vì thế mục tiêu sớm khởi động đàm phán hòa bình càng trở nên cấp thiết.

Vụ bạo lực mới nhất nhằm nhà tù ở Jalalabad dấy lên lo ngại đẩy Afghanistan vào vòng xoáy bất ổn mới. Cả chính quyền Kabul và lực lượng Taliban đều tuyên bố sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán. Song, tình trạng nghi kỵ, thiếu lòng tin, nhất là trong việc trao trả tù nhân tiếp tục là rào cản. Và vụ tiến công của IS khiến cơ hội khởi động đối thoại quốc gia tại Afghanistan tiếp tục bị bỏ lỡ.