Tương lai bất định

Việc Chính phủ Thủ tướng Adel Abdul Mahdi giải thể chỉ sau hơn một năm điều hành đất nước đã làm lộ rõ thực trạng “bất đồng, bất ổn và bất định” của Iraq. Khó khăn kinh tế cùng làn sóng biểu tình phản đối đẩy Iraq vào tình thế mất ổn định nhất kể từ khi chính quyền Saddam Hussein bị lật đổ năm 2003. Chia rẽ chính trị, mâu thuẫn phe phái càng khiến tương lai Iraq trở nên bất định.

Biếm họa của SHADI GHANIM
Biếm họa của SHADI GHANIM

Tại phiên họp bất thường hôm 1-12, Quốc hội Iraq đã chấp thuận để Thủ tướng Mahdi và toàn bộ thành viên chính phủ từ chức. Tuy nhiên, Thủ tướng Mahdi và các cộng sự vẫn đảm đương vị trí và mọi công việc điều hành cho tới khi một chính phủ mới được thành lập. Giải thích cho quyết định từ chức, ông Mahdi nêu rõ: Chính phủ đã phải đưa ra những “quyết định dũng cảm và táo bạo”, song, đáng tiếc là khi đụng độ xảy ra vẫn có những biến cố. Vì thế, chính phủ sẵn sàng chịu trách nhiệm và từ chức để làm dịu tình hình.

Quyết định ra đi của ông Mahdi được cho là đáp lại “lời kêu gọi thay đổi” của Đại giáo chủ Hồi giáo dòng Shi’ite Aytollah Al Al-Sistani, nhà lãnh đạo tinh thần Iraq vốn hiếm khi can thiệp các hoạt động chính trị. Lần đầu lên tiếng chỉ trích hành động trấn áp người biểu tình ôn hòa, Đại giáo chủ Iraq cũng kêu gọi Quốc hội nước này “rút lại” việc ủng hộ chính phủ. Theo ông, Iraq cần có lãnh đạo và các thành viên chính phủ mới, là những người hành động vì lợi ích quốc gia và có thể ngăn chặn bạo lực.

Làn sóng phản đối bắt đầu tại Iraq từ tháng 10 vừa qua, khi người dân tham gia các cuộc biểu tình quy mô lớn chưa từng có trong nhiều năm qua ở Iraq, yêu cầu cải cách chính trị, cải thiện đời sống, tạo việc làm, cũng như đẩy mạnh chống tham nhũng, giảm phụ thuộc nước ngoài. Với hàng triệu người tham gia trên cả nước, nhất là ở Thủ đô Baghdad và thành phố Basrah lớn thứ hai ở Iraq, đây là đợt biểu tình chống chính phủ lớn nhất kể từ sau khi Mỹ tiến công, lật đổ chính quyền Saddam Husein năm 2003. Để đối phó, chính quyền Thủ tướng Mahdi đã điều các đơn vị cảnh sát chống bạo động, huy động cả xe tăng, xe bọc thép để dẹp các cuộc biểu tình kèm theo bạo loạn đường phố, đến nay đã khiến ít nhất 400 người chết.

Bất bình về điều kiện sống chật vật, nạn tham nhũng và bất ổn kinh tế - xã hội kéo dài, người dân Iraq đòi hỏi thay thế bộ máy điều hành đất nước. Song, việc Chính phủ Thủ tướng Mahdi từ chức vẫn chưa giúp xoa dịu làn sóng phản đối trên khắp Iraq. Người biểu tình cho đây mới chỉ là bước đi đầu tiên, điều họ mong muốn là việc làm, nước sạch và điện sinh hoạt; là cải cách không chỉ ở chính phủ mà toàn bộ hệ thống chính trị đất nước, để có một chính quyền không bị chi phối bởi bè cánh giáo phái và sắc tộc, mang đến sự thay đổi thật sự và toàn diện.

Sự ra đi của ông Mahdi và chính phủ mở đường cho các nhà lập pháp Iraq lựa chọn một chính quyền mới với mục tiêu ổn định tình hình. Theo Hiến pháp Iraq, người được Tổng thống Barham Saleh tới đây chỉ định làm thủ tướng, theo đề cử của các đảng phái chiếm nhiều ghế trong Quốc hội, sẽ có 30 ngày để hoàn tất danh sách chính phủ mới trình giới lập pháp thông qua. Tuy nhiên, với thực tế không có đảng nào chiếm đa số tuyệt đối tại Quốc hội, tiến trình nêu trên sẽ không hề dễ dàng. Trước hết, cuộc đàm phán lựa chọn ứng cử viên thủ tướng sẽ vô cùng gian nan. Ngay cả khi các đảng đạt đồng thuận, thì người được bổ nhiệm cũng sẽ khó khăn trong việc thông qua các quyết định cải tổ chính trị và kinh tế.

Kịch bản được cho là có thể giúp tháo gỡ bế tắc chính trị đó là tổ chức tổng tuyển cử trước thời hạn. Tuy nhiên, giải pháp này cũng không dễ thực hiện, khi Quốc hội sẽ phải soạn thảo luật bầu cử mới, trong đó thể hiện những đòi hỏi của người biểu tình, gồm cả yêu cầu chấm dứt ảnh hưởng từ các thế lực bên ngoài. Mục tiêu này có thể bị cản trở bởi chính sự chia rẽ trên chính trường.

Một chính phủ mới sẽ được thành lập, song điều đó chưa bảo đảm giải quyết được các vấn đề khúc mắc ở Iraq. Tương lai của quốc gia Trung Đông này vẫn khó đoán định.