Toan tính gây thêm bất ổn

Chính quyền Palestine (PA) đã chấm dứt hợp tác an ninh với Israel sau khi nước này có kế hoạch sáp nhập một số khu vực chiếm đóng ở khu Bờ Tây. Bên cạnh hợp tác an ninh - tình báo giữa quân đội Israel với các lực lượng an ninh Palestine, tất cả quan hệ dân sự giữa Israel và PA cũng sẽ chấm dứt. Đây được xem là sự tái khẳng định lập trường kiên quyết không nhượng bộ của PA trước mọi nỗ lực mở rộng lãnh thổ của Tel Aviv, vốn lâu nay bị cộng đồng quốc tế phản đối.

Biếm họa của SWAHA
Biếm họa của SWAHA

Theo thỏa thuận liên minh giữa Thủ tướng Israel kiêm Chủ tịch đảng Likud, ông Benjamin Netanyahu, và Bộ trưởng Quốc phòng Benny Gantz, Chủ tịch đảng Xanh - Trắng, từ ngày 1-7 tới, Chính phủ Israel có thể tiến hành các bước đi để sáp nhập một số khu vực tại khu Bờ Tây.

Trước đó, hôm 19-5, Tổng thống Abbas tuyên bố sẽ cắt tất cả quan hệ với Israel để đáp trả các tuyên bố của Thủ tướng Netanyahu về việc sáp nhập một số phần đất ở khu Bờ Tây và thung lũng Jordan, theo kế hoạch hòa bình Trung Đông đã được Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố trước đó. Ngoài ra, Tổng thống Abbas cũng muốn đáp trả việc chính quyền Tổng thống Trump đã công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel.

Theo ông Abbas, kế hoạch sáp nhập Bờ Tây của Israel sẽ đồng nghĩa với việc chấm dứt mọi hợp tác an ninh và dân sự. Các kế hoạch sáp nhập cho thấy Israel không còn muốn tuân thủ các thỏa thuận hòa bình giữa hai bên. Vì vậy, PA từ ngày 20-5 sẽ được miễn hoàn toàn trách nhiệm trong mọi thỏa thuận và biên bản ghi nhớ với Chính phủ Mỹ và Israel và mọi nghĩa vụ trong các thỏa thuận và biên bản ghi nhớ này, bao gồm cả các thỏa thuận an ninh. Giới chức Palestine nhấn mạnh, việc sáp nhập trên sẽ đặt dấu chấm hết cho các hy vọng về giải pháp hai nhà nước, vốn được xem là chìa khóa mở ra cánh cửa hòa bình Trung Đông.

Trong phản ứng của mình, nhiều nước trên thế giới cũng lên tiếng phản đối kế hoạch của Israel, cho rằng bước đi này sẽ “khai tử” tiến trình hòa bình Trung Đông và phá vỡ giải pháp thành lập hai nhà nước tồn tại song song cho người Palestine và người Israel. Ngày 22-5, Đại giáo chủ Iran Ali Khamenei đã bày tỏ sự ủng hộ cuộc đấu tranh của người Palestine chống lại kế hoạch của Israel nhằm sáp nhập các khu định cư ở Bờ Tây và thung lũng Jordan. Đại giáo chủ Khamenei nhấn mạnh “cuộc nổi dậy của người dân Palestine nên tiếp tục” và “việc chiến đấu để giải phóng Palestine là nghĩa vụ”. Ông nói rằng, hiện nay, thế giới đang thống kê từng nạn nhân của dịch Covid-19, song không ai đặt nghi vấn về đối tượng phải chịu trách nhiệm cho hàng trăm nghìn người đang phải chịu nỗi thống khổ, bị giam giữ và biến mất ở Palestine.

Kế hoạch của Israel cũng vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của Jordan và Saudi Arabia. Jordan là quốc gia Arab duy nhất ngoài Ai Cập có hiệp ước hòa bình chính thức với Israel, ký năm 1994. Tuy nhiên, quan hệ giữa hai bên đã trở nên căng thẳng trong những năm gần đây liên quan một số vấn đề. Ngày 21-5, Jordan cảnh báo sẽ xem xét lại mối quan hệ với Israel nếu Tel Aviv tiến hành các kế hoạch sáp nhập một số khu vực ở vùng Bờ Tây mà Israel chiếm đóng trái phép. Tương tự, Saudi Arabia cũng ra tuyên bố bác bỏ kế hoạch của Israel về sáp nhập nhiều khu vực ở Bờ Tây, nêu rõ Riyadh lên án bất kỳ quyết định đơn phương nào và bất kỳ hành động nào vi phạm các quy định của luật pháp quốc tế.

Trong khi đó, Tổng Thư ký Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO), ông Saeb Erekat tuyên bố, các cơ quan an ninh của Palestine đã ngừng chia sẻ thông tin với Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) để phản đối kế hoạch của Israel sáp nhập các khu vực thuộc Bờ Tây. Từ năm 2017, PA đã cắt đứt tất cả mối quan hệ với chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump, với cáo buộc Mỹ thiên vị Israel.

Giới chức quốc phòng Israel cảnh báo, quyết định ngừng hợp tác giữa hai bên có thể dẫn tới nguy cơ gia tăng bạo lực và các vụ đụng độ giữa binh sĩ Israel với người Palestine. Tuy nhiên, theo nhận định giới quan sát, kế hoạch sáp nhập của Tel Aviv mới chính là nguyên nhân tạo ra những nguy cơ mất an ninh mới trong khu vực. Dù được sự “chống lưng” của Mỹ, song Israel đã quay lưng lại với cộng đồng quốc tế để thực hiện những toan tính mở rộng lãnh thổ. Vì lẽ đó, triển vọng hòa bình cho khu vực Trung Đông vẫn sẽ mờ mịt nếu những động thái gây bất ổn tiếp tục diễn ra.