Toan tính chiến lược

Việc Mỹ đơn phương tái áp đặt trừng phạt Iran bị ví như hành động “tự bắn chân mình”. Song, nhìn từ bối cảnh mới ở khu vực Trung Đông và trong nước Mỹ, mới thấy những tính toán chiến lược của chính quyền Tổng thống Donald Trump, khi nhất quyết thực hiện bước đi mà ngay cả các đồng minh thân cận cũng phản đối mạnh mẽ.

Biếm họa của EMAD HAJJAJ
Biếm họa của EMAD HAJJAJ

Một ngày sau khi đơn phương khôi phục các biện pháp trừng phạt của LHQ áp đặt chống Iran, hôm 21-9, chính quyền Mỹ công bố “danh sách đen” mới, gồm Bộ Quốc phòng và một loạt cá nhân, thực thể của Iran mà Washington cáo buộc liên quan chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của Tehran. Nhà trắng tuyên bố sẽ mở rộng trừng phạt cho đến khi Tehran sẵn sàng đối thoại toàn diện. Mỹ còn dọa thiết lập cơ chế trừng phạt thứ cấp áp dụng với mọi quốc gia vi phạm lệnh cấm vận của LHQ chống Iran.

Chính quyền Mỹ thực hiện bước đi trên sau một loạt thất bại trong nỗ lực thuyết phục Hội đồng Bảo an LHQ và cộng đồng quốc tế kéo dài lệnh cấm vận vũ khí và áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt Iran. Không chỉ Iran, mà hầu hết các nước đều phản đối quyết định của Mỹ, nhất là các cường quốc trong nhóm P5+1 tham gia ký thỏa thuận hạt nhân Iran mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA). Nga và Trung Quốc bác bỏ, Anh, Pháp và Đức phản đối mạnh mẽ, với cùng lý do là Mỹ không còn quyền pháp lý kích hoạt điều khoản trừng phạt theo JCPOA, vì đã đơn phương rời bỏ thỏa thuận này.

Tình trạng đối đầu Mỹ - Iran không còn xa lạ, nhất là dưới thời chính quyền Tổng thống Trump, song động thái mới nhất leo thang căng thẳng với Tehran vẫn hé lộ những tính toán chiến lược của Washington. Chỉ còn sáu tuần nữa là đến ngày bầu cử, nhiệm vụ bảo vệ chính sách “nước Mỹ trước tiên” càng trở nên cấp bách với vị tổng thống đương nhiệm. Với lệnh trừng phạt Iran dù không được quốc tế ủng hộ, ông Trump muốn chứng tỏ với cử tri về nỗ lực bảo vệ lợi ích quốc gia, thúc đẩy lợi ích của “xứ cờ hoa” ở Trung Đông, thông qua việc kiềm chế Iran, cũng như lôi kéo đồng minh ủng hộ trong cuộc đối đầu với Nhà nước Hồi giáo. 

Tình hình Trung Đông có biến chuyển mới khi Israel bình thường hóa quan hệ với một số nước Arab, ngoài câu chuyện hợp tác kinh tế còn hướng tới mục tiêu chung là kiềm chế Iran. Ủng hộ và thúc đẩy quan hệ giữa Israel với cộng đồng Arab, Mỹ không chỉ giúp mở rộng ảnh hưởng của đồng minh Israel, mà còn kiềm chế sự trỗi dậy của Iran, góp phần làm dịu mối e ngại của nhiều nước ở Trung Đông. Qua đó, tiếp tục khích lệ cộng đồng Arab vượt qua định kiến để cải thiện quan hệ với Israel. Khôi phục trừng phạt Iran trong bối cảnh như vậy không ngoài mục tiêu bảo đảm lợi ích của Mỹ ở khu vực.

Quyết định của Mỹ tái áp đặt trừng phạt Iran được xem như hành động cụ thể tỏ rõ sự ủng hộ Israel. Vì thế, giúp Tổng thống Trump ghi thêm điểm không chỉ với Tel Aviv mà với chính khối cử tri Mỹ gốc Do Thái, cộng đồng có tiềm lực kinh tế và ảnh hưởng chính trị ở “xứ cờ hoa”. Cuộc cạnh tranh càng gần hồi gay cấn nhất, ông Trump càng cần thêm sự ủng hộ và thành tựu mới về đối ngoại sẽ tiếp sức cho nỗ lực vượt lên đối thủ. Thái độ cứng rắn với Iran có thể giúp ông Trump tạo khác biệt, thậm chí tương phản rõ nét với ứng cử viên Joe Biden bên phía đảng Dân chủ, người không lựa chọn giải pháp gây sức ép tối đa và chủ trương đưa Mỹ trở lại với JCPOA, với cam kết đối thoại từ Iran. Với lệnh trừng phạt mới nhằm Iran, Tổng thống Trump chủ trương không chờ đợi, mà chủ động gây áp lực với đối phương nhằm thực thi khẩu hiệu từ khi tranh cử là “Giữ cho nước Mỹ vĩ đại”.

Như vậy, ẩn sau động thái của chính quyền Mỹ gấp rút thúc đẩy LHQ và cộng đồng quốc tế khôi phục cấm vận, hay đơn phương tái áp đặt các lệnh trừng phạt chống Iran, đó là nỗ lực giành thêm sự ủng hộ của cử tri Mỹ trong kỳ bầu cử quan trọng tháng 11 tới.