Tín hiệu vui đầu năm

Sau hơn ba năm chìm trong căng thẳng, quan hệ ngoại giao giữa Qatar và các nước Arab vùng Vịnh đã đón nhận tín hiệu vui khi Saudi Arabia quyết định mở lại biên giới với Doha. Cộng đồng quốc tế hy vọng động thái này sẽ sớm hóa giải những bất đồng, thúc đẩy hợp tác, qua đó phục vụ lợi ích chung của toàn bộ các nước trong khu vực.

Biếm họa của OMAYYA JOHA
Biếm họa của OMAYYA JOHA

Trong bài phát biểu mới đây trên truyền hình, Bộ trưởng Ngoại giao Kuwait Ahmad Nasser Al-Sabah cho biết, Saudi Arabia đã mở lại không phận và biên giới trên bộ, trên biển với Qatar kể từ ngày 4-1 vừa qua. Động thái này diễn ra ngay trước thềm Hội nghị cấp cao Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC), diễn ra tại TP Al-Ula của Saudi Arabia ngày 5-1. Đây cũng được xem là bước đi đầu tiên nhằm hướng tới chấm dứt cuộc khủng hoảng ngoại giao ở vùng Vịnh giữa các nước Arab.

Bộ trưởng Ngoại giao Kuwait cho biết, theo đề xuất của Quốc vương Kuwait Nawaf Al-Ahmed Al-Jaber, Saudi Arabia mở lại không phận, biên giới trên bộ và trên biển với Qatar theo một thỏa thuận hướng tới việc giải quyết bất đồng chính trị, khiến Riyadh và các đồng minh cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar suốt nhiều tháng qua. 

Biên giới trên bộ duy nhất của Qatar hầu như đã bị đóng cửa kể từ giữa năm 2017, khi Saudi Arabia, Ai Cập, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Bahrain tiến hành phong tỏa nhằm chống lại quốc gia vùng Vịnh nhỏ bé này, với cáo buộc Doha ủng hộ các nhóm Hồi giáo cực đoan trong khu vực và có quan hệ “nồng ấm” với Iran - một đối trọng của các nước nói trên tại khu vực, bất chấp Qatar luôn phủ nhận những cáo buộc này. Sau khi mối quan hệ leo thang căng thẳng, bốn nước đã ra yêu cầu gồm 13 điểm đối với Qatar, trong đó có việc đóng cửa kênh truyền hình Al-Jazeera, buộc công dân Qatar phải rời khỏi những nước này. Đáp lại, Doha tố ngược các nước láng giềng đang tìm cách tước bỏ quyền chủ quyền của nước này. Trong khi đó, Kuwait, với những nỗ lực không ngừng nghỉ, đã làm nhà trung gian hòa giải giữa Qatar và bốn quốc gia Arab vùng Vịnh.

Quyết định của Saudi Arabia mở lại không phận và biên giới trên bộ cũng như trên biển với Qatar đã nhận được sự hoan nghênh của Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia luôn ủng hộ đồng minh Doha sau cuộc phong tỏa của nhóm nước Arab vùng Vịnh. Ankara đã cung cấp cho Qatar thực phẩm và các dịch vụ thiết yếu khi nước này bị cô lập. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng, quyết định của Saudi Arabia là “bước đi quan trọng tiến tới giải quyết các tranh chấp” giữa các nước vùng Vịnh. Tuyên bố nhấn mạnh, Thổ Nhĩ Kỳ “mong muốn tranh chấp này được giải quyết triệt để trên cơ sở các nước tôn trọng chủ quyền của nhau, đồng thời các biện pháp trừng phạt khác đối với người dân Qatar được bãi bỏ sớm nhất có thể”. Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cũng đánh giá cao nỗ lực của Kuwait và các bên liên quan nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng vùng Vịnh kéo dài hơn ba năm qua.

Đáp lại thiện chí của Saudi Arabia, Quốc vương Qatar, Sheikh Tamim bin Hamad Al-Thani đã dẫn đầu phái đoàn Qatar tham dự Hội nghị cấp cao GCC, đánh dấu bước đột phá trong cuộc khủng hoảng vùng Vịnh. Trước đó, truyền thông Saudi Arabia dẫn phát biểu của Thái tử Mohammed bin Salman tuyên bố rằng, Hội nghị cấp cao GCC sẽ mang tính “bao trùm’’, dẫn dắt các quốc gia tiến tới “sự thống nhất và đoàn kết trong việc đối phó với những thách thức của khu vực’’.

GCC gồm Saudi Arabia, Qatar, Bahrain, Oman, Kuwait và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE).    Gần đây, nhóm bốn nước thuộc GCC đều đưa ra động thái nhằm hóa giải mâu thuẫn với Doha. Trong tuyên bố đưa ra ngày 23-12-2020, Chính phủ Saudi Arabia bày tỏ mong muốn Hội nghị cấp cao GCC diễn ra thành công nhằm tăng cường hợp tác và thúc đẩy hành động chung giữa các quốc gia thành viên. Ai Cập và UAE đã bày tỏ ủng hộ các cuộc đối thoại. Các động thái trên diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Mỹ đắc cử Joe Biden được cho là sẽ hoan nghênh việc các nước Arab vùng Vịnh tìm ra giải pháp chấm dứt bất đồng, sẽ nhậm chức vào ngày 20-1 tới. 

Như vậy, động thái hòa dịu của Saudi Arabia nói trên đã mang lại tín hiệu vui trong những ngày đầu năm mới đối với khu vực, thắp lên hy vọng về một tương lai không còn bất đồng và căng thẳng tại vùng Vịnh.