Tín hiệu hòa dịu

Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev ngày 5-12 vừa qua tuyên bố nước này sẵn sàng phát triển quan hệ không chỉ với Liên hiệp châu Âu (EU) nói chung, mà còn với bất cứ nước nào trong EU trên cơ sở song phương. Đây được xem là đề xuất “cùng thắng” của Moscow nhằm tránh tiếp diễn những thiệt hại mà cả Nga và EU đang phải gánh chịu từ các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Biếm họa của PETER SCHRANK
Biếm họa của PETER SCHRANK

Trong cuộc trả lời phỏng vấn báo giới được phát sóng trực tiếp, Thủ tướng Medvedev ước tính rằng EU đã mất khoảng 100 - 200 tỷ euro (tương đương 110,95 - 221,89 tỷ USD) sau khi liên minh này áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế Nga vào năm 2014. Ông cũng cho biết kim ngạch thương mại giữa Nga với EU cũng giảm từ 417 tỷ USD xuống khoảng 250 tỷ USD. Ông bày tỏ hy vọng những căng thẳng thương mại sẽ chấm dứt và toàn bộ các biện pháp hạn chế sẽ được dỡ bỏ. Ngoài ra, ông Medvedev cũng cho rằng ban lãnh đạo mới đắc cử của Ủy ban châu Âu đã có cơ hội để bình thường hóa quan hệ song phương với Nga.

Năm ngoái, trước thềm chuyến thăm Luxembourg, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev khẳng định EU vẫn là một đối tác quan trọng của Nga, và không có trở ngại khách quan nào đối với việc phát triển quan hệ song phương bất chấp những nỗ lực nhằm cản trở của Mỹ. Ông nói thêm rằng Nga và EU có rất nhiều mối liên hệ địa chính trị, kinh tế, văn hóa và lịch sử mà chỉ có một con đường duy nhất củng cố những mối liên hệ này, đó là con đường hợp tác. Ông cho rằng những lệnh trừng phạt chống Nga đã thất bại trong việc làm suy yếu nền kinh tế Nga, đồng thời cũng gây trở ngại cho sự phát triển mối quan hệ giữa Nga với các đối tác châu Âu. Và như thế tất cả mọi người đều chịu tổn thất từ việc này.

Quan hệ giữa Nga và EU đã xấu đi từ năm 2014, sau sự kiện bán đảo Crimea sáp nhập Nga và sau đó nổ ra cuộc xung đột tại miền đông Ukraine. EU đã áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào Nga, đáp lại Moscow cũng hạn chế nhập khẩu nông sản của EU, gây thiệt hại lớn cho khối này. Lý do để Mỹ và phương Tây tăng cường trừng phạt nhằm vào Nga không chỉ tập trung vào cuộc xung đột ở miền đông Ukraine và căng thẳng giữa Moscow và Kiev. Đến nay, Mỹ và phương Tây gia tăng trừng phạt Nga với các cáo buộc Nga can thiệp bầu cử, chi phối đời sống chính trị tại Mỹ, hoạt động “thiếu minh bạch” tại Ukraine, Syria, can thiệp kiểm soát vũ khí ở châu Âu, hay trong vấn đề Triều Tiên, Iran…

Trong 5 năm đương đầu các đợt trừng phạt liên tiếp từ Mỹ và phương Tây, Nga đã dần thích nghi và trụ vững. Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) chỉ ra rằng, năm 2018, kinh tế Nga tăng trưởng 2,3% - mức cao nhất kể từ năm 2012 (3,7%). WB cũng ghi nhận nền kinh tế Nga tiếp tục đứng vững trong năm 2019, bất chấp các đòn trừng phạt ngày một mạnh tay. Nền kinh tế “xứ sở bạch dương” không những không “liêu xiêu” mà trái lại, tỷ lệ lạm phát thấp và ổn định, sản lượng dầu tiếp tục tăng. Nga đang thúc đẩy đa dạng hóa quan hệ kinh tế với các nước ngoài phương Tây nhằm tránh phụ thuộc vào thị trường này.

Trong khi Mỹ nhất quán gia hạn trừng phạt Nga thì việc thực thi các lệnh trừng phạt của EU không đạt được đồng thuận của toàn bộ 28 thành viên. Các nước như Ba Lan và những quốc gia vùng Baltic ủng hộ quyết liệt việc trừng phạt Nga, trong khi hai “đầu tàu” EU là Đức, Pháp và Hungary, Hy Lạp lại nghiêng về các giải pháp ôn hòa và thực tế. Nguyên nhân là do EU cũng bị thiệt hại nặng nề từ các đòn trừng phạt của chính mình. Báo cáo của Đặc phái viên LHQ Idris Jazairi hồi năm ngoái, đánh giá về tác động của các lệnh trừng phạt Mỹ và EU áp đặt lên Nga cho thấy, các lệnh trừng phạt đã khiến thị trường ở phương Tây bị thiệt hại lên tới 100 tỷ euro (khoảng 114 tỷ USD).

Chính các lợi ích kinh tế đan xen, chặt chẽ giữa EU và Nga là lý do khiến EU muốn “cởi bỏ” dần các lệnh trừng phạt, vốn được thường kỳ gia hạn sau sáu tháng áp dụng. Nắm bắt được tâm lý của giới chức EU, tín hiệu hòa dịu phát đi từ Thủ tướng Nga cho thấy Moscow sẵn sàng nối lại hợp tác với EU và đã đến lúc phương Tây cần nghiêm túc xem xét lại đề xuất này. Chỉ bằng cách bắt tay thì hai bên mới tránh được thiệt hại, qua đó cùng nhau thiết lập những lợi ích trong giai đoạn mới.