Tín hiệu hạ nhiệt căng thẳng

Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc có dấu hiệu hạ nhiệt những ngày qua khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết sẽ gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hội nghị cấp cao Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), diễn ra tại Osaka (Nhật Bản) vào cuối tháng này, đồng thời cho biết các cuộc đàm phán thương mại song phương sẽ tái khởi động trước thời gian trên.

Nguồn: CGTN
Nguồn: CGTN

Chia sẻ trên Twitter, ông Trump khẳng định đã có cuộc điện đàm “rất tốt” với Chủ tịch Trung Quốc. Chia sẻ của Tổng thống Mỹ được cho là tạo ra không khí lạc quan cho các cuộc hội đàm song phương tại Nhật Bản trong bối cảnh hai nền kinh tế hàng đầu thế giới đang rơi vào vòng xoáy chiến tranh thương mại tốn kém, gây áp lực cho các thị trường và làm tổn hại nền kinh tế thế giới.

Các cuộc đàm phán song phương đã đổ vỡ hồi tháng trước sau khi Washington cáo buộc Bắc Kinh rút lại các cam kết. Hiện Mỹ muốn Trung Quốc đồng ý thay đổi cấu trúc kinh tế lớn, đồng thời bảo đảm doanh nghiệp Mỹ được tiếp cận tốt hơn đối với thị trường Trung Quốc. Mỹ đã áp đặt mức thuế 25% đối với số hàng hóa trị giá 200 tỷ USD của Trung Quốc, cũng như đe dọa sẽ áp thuế lên tới 300 tỷ USD với số hàng hóa nhập khẩu còn lại, nếu hai bên không đạt được thỏa thuận. Đáp lại, Trung Quốc cũng áp thuế 60 tỷ USD với hàng hóa Mỹ.

Căng thẳng leo thang khi Bộ Thương mại Trung Quốc vừa thông báo sẽ nâng mức thuế chống bán phá giá đối với các sản phẩm ống thép và ống dẫn thép hợp kim nhập khẩu từ Mỹ, với mức thuế từ 101 - 147,8%. Bên cạnh đó, Trung Quốc tuyên bố sẵn sàng cho cuộc chiến thương mại kéo dài với Mỹ. Truyền thông Trung Quốc cho rằng, Mỹ đã đánh giá thấp ý chí của Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại và Bắc Kinh sẵn sàng cho một cuộc chiến kinh tế tốn kém thời gian. Theo đó, Trung Quốc sẽ không nhượng bộ các nguyên tắc chính trong đàm phán với Mỹ về việc chấm dứt bất đồng.

Hiện nhiều công ty và tổ chức của Mỹ đã lên tiếng phản đối các đề xuất tăng thuế của chính quyền Tổng thống Donald Trump đối với 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. Theo kế hoạch, từ ngày 17 đến 25-6, Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ sẽ tổ chức các phiên điều trần công khai về đề xuất áp thuế 25% đối với toàn bộ hàng hóa còn lại nhập khẩu từ Trung Quốc có giá trị khoảng 300 tỷ USD. Sau khi xem xét ý kiến tại cuộc điều trần này, Tổng thống Trump sẽ quyết định có thúc đẩy tiến trình áp thuế nhằm vào Bắc Kinh hay không. Các mức thuế dự kiến sẽ đánh vào khoảng 3.800 mặt hàng, từ bảng điều khiển trò chơi video, điện thoại thông minh cho đến hàng may mặc, giày dép. Nếu các biện pháp này được thực thi, hầu hết các mặt hàng của Trung Quốc nhập khẩu Mỹ đều bị áp thuế mới.

Trong khi đó, giới doanh nghiệp và chuyên gia tại Mỹ tiếp tục lên tiếng cảnh báo về tác động đối với kinh tế nước này nếu Mỹ tăng thuế đối với 300 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc. Theo đó, nếu Chính phủ Mỹ áp thuế mới, người tiêu dùng sẽ có phản ứng rất tiêu cực. Tác động ngay trước mắt nếu Mỹ áp thuế bổ sung từ tháng 7 tới là giá một số hàng hóa tăng ngay tại thời điểm người dân đang tích cực mua sắm chuẩn bị cho các dịp thu-đông và Giáng sinh.

Phản ứng về kế hoạch của Nhà trắng, hơn 660 công ty và Hiệp hội Doanh nghiệp Mỹ đã ký vào một bức thư gửi tới Tổng thống Trump, kêu gọi chính quyền từ bỏ việc tăng thuế và tìm kiếm một thỏa thuận với Trung Quốc. Theo nhóm này, việc áp thuế bổ sung sẽ mang lại tác động tiêu cực và lâu dài đối với các doanh nghiệp, người nông dân, các hộ gia đình và nền kinh tế Mỹ. Nếu tính cả tác động của các đợt nâng thuế trước đó của Mỹ cùng với các biện pháp áp thuế trả đũa của Trung Quốc, mức thuế mới nhằm vào 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, nếu được áp dụng, sẽ khiến nước Mỹ mất hơn hai triệu việc làm và giảm 1% mức tăng trưởng GDP.

Theo các nhà phân tích, căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế đầu tàu thế giới nếu leo thang đều không có lợi cho cả Trung Quốc, Mỹ, cũng như kinh tế toàn cầu. Không chỉ các doanh nghiệp lớn mà cả các doanh nghiệp nhỏ và người tiêu dùng cũng có nguy cơ trở thành nạn nhân của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc. Do vậy, việc hai bên sớm hạ nhiệt căng thẳng là điều cộng đồng quốc tế mong đợi.