Tín hiệu đối thoại

Cơ hội cải thiện quan hệ giữa Ukraine và Nga hé mở sau một loạt thông điệp và động thái tích cực từ cả hai phía: Nhà lãnh đạo mới ở Kiev chủ động đề xuất điện đàm với người đồng cấp Nga; Moscow khẳng định sẵn sàng cho bất kỳ “định dạng đối thoại” nào về vấn đề Ukraine. Tín hiệu đã phát đi, song để tiến tới các cuộc đối thoại thực tế vẫn cần nỗ lực của cả hai quốc gia láng giềng, cũng như các bên tham gia hòa giải.

Biếm họa của CAI MENG
Biếm họa của CAI MENG

Cuộc điện đàm hôm 11-7 do phía Ukraine đề xuất và là cuộc tiếp xúc chính thức giữa Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky với người đồng cấp Nga Vladimir Putin lần đầu từ sau cuộc bầu cử Tổng thống ở Ukraine tháng 4-2019. Trước đó, hai nhà lãnh đạo Ukraine và Nga chưa từng điện đàm, gặp gỡ hay trao đổi thư tín. Theo Thư ký báo chí điện Kremlin, trong cuộc điện đàm lần đầu kể từ khi ông Zelensky tuyên thệ nhậm chức hôm 20-5, các nhà lãnh đạo hai nước thảo luận cách thức giải quyết cuộc xung đột ở miền đông Ukraine và việc hợp tác trao trả tù binh. Đặc biệt, hai bên còn đề cập khả năng tiến hành các cuộc tiếp xúc trong tương lai theo “định dạng Normandy”.

Trước đó, trả lời phỏng vấn báo giới, Tổng thống Putin khẳng định Nga luôn sẵn sàng tiến hành bất kỳ định đạng đối thoại nào về vấn đề Ukraine, đồng thời không từ chối đề nghị của Tổng thống Zelensky về khả năng cùng tiến hành đàm phán với sự tham gia của cả các đại diện Mỹ và châu Âu. Thông điệp tích cực của lãnh đạo Nga được đưa ra sau khi Tổng thống Ukraine Zelensky hồi đầu tuần trước cho biết, ông sẵn sàng cùng người đồng cấp Nga khởi động các cuộc thương lượng tại Thủ đô Minsk của Belarus; và các cuộc đàm phán này cần có sự tham gia của các nhà lãnh đạo Mỹ, Anh, Đức và Pháp.

Trong cuộc trò chuyện với đạo diễn Mỹ Oliver Stone, người đang thực hiện phim tài liệu sắp công chiếu, có tên “Hé lộ về Ukraine”, Tổng thống Putin còn nhấn mạnh niềm tin rằng mối quan hệ thân thiện giữa Nga và Ukraine chắc chắn sẽ trở lại, thậm chí hai nước láng giềng có thể trở thành “đồng minh” của nhau. Theo Tổng thống Putin, về cơ bản người Nga và người Ukraine cùng chung một dân tộc và việc hai nước nối lại mối dây hòa hữu là điều sớm muộn sẽ đến. Ông Putin tin rằng, thực tế hai nước có chung cội nguồn giúp Nga có được lợi thế cạnh tranh so phương Tây, trong việc hỗ trợ thúc đẩy hòa hợp và giải quyết khủng hoảng tại Ukraine.

Trong động thái đáp lại thiện chí từ nước láng giềng, Tổng thống Zelensky cũng có bước đi đảo ngược chính sách đối đầu Moscow của người tiền nhiệm, khi tuyên bố rằng, trong tương lai tiếng Nga có thể nhận được quy chế đặc biệt tại hai nước cộng hòa tự xưng Donetsk và Lugansk ở miền đông Ukraine. Theo ông Zelensky, trên thực tế Ukraine “không có vấn đề gì” với việc sử dụng tiếng Nga trong cuộc sống hằng ngày; căng thẳng xuất phát từ “cuộc chiến thông tin”. Và vì thế, khi cuộc xung đột qua đi, người dân ở Donetsk và Lugansk có quyền được nói ngôn ngữ họ mong muốn.

Quan hệ Nga và Ukraine rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng sau các cuộc biểu tình Maidan ở Thủ đô Kiev năm 2014, dẫn tới thay đổi chính trị và kéo theo cuộc xung đột ở vùng Donbass. Căng thẳng càng leo thang sau khi bán đảo Crimea sáp nhập LB Nga, sự kiện được Mỹ và châu Âu lấy làm lý do để áp đặt trừng phạt kinh tế chống Moscow. Nhằm thúc đẩy giải quyết khủng hoảng ở miền đông Ukraina, khuôn khổ “đối thoại Normandy” được thành lập, gồm các nhà lãnh đạo Pháp, Đức, Nga và Ukraine, song vẫn chưa đạt hiệu quả. Trong bối cảnh chính trị thay đổi ở Ukraine, những tín hiệu cải thiện quan hệ Ukraine - Nga đã xuất hiện. Chiến thắng của ông Zelensky, với quan điểm ôn hòa hơn, được kỳ vọng tạo chuyển biến mới trong quan hệ giữa hai nước láng giềng.

Kết quả tích cực từ cuộc tiếp xúc đầu tiên giữa lãnh đạo Ukraine và Nga dần hé mở cơ hội để hai bên cải thiện quan hệ. Tuy nhiên, việc khởi động đối thoại, dù theo khuôn khổ hay định dạng nào vẫn phụ thuộc nhiều yếu tố, trước mắt là đề xuất nội dung đối thoại từ Kiev và phản ứng của các bên. Cơ chế đối thoại mới cũng chỉ có thể được khởi động sau cuộc bầu cử QH Ukraine, dự kiến ngày 21-7 tới.