Tìm lối thoát

Ngày 1-8 vừa qua, Bộ trưởng An ninh Nội địa Mỹ Kevin McAleenan cho biết nước này đang tìm kiếm một thỏa thuận về vấn đề di cư với Honduras và El Salvador, tương tự thỏa thuận đã ký với Guatemala. Các thỏa thuận trên tưởng chừng sẽ mở lối thoát cho người di cư hướng tới Mỹ, song việc Washington muốn đổ thêm trách nhiệm lên vai các quốc gia Trung Mỹ lại đang gây ra những bất đồng.

Biếm họa của GUY PARSONS
Biếm họa của GUY PARSONS

Các thỏa thuận nói trên đồng nghĩa việc mở rộng các “vùng đệm trung gian” cho các dòng người di cư hướng tới Mỹ. Ông McAleenan đã có chuyến công du Guatemala nhằm vận động Quốc hội và các ứng cử viên Tổng thống của quốc gia Trung Mỹ này thông qua thỏa thuận song phương vừa ký kết, thường được gọi là “Thỏa thuận trở thành nước thứ ba an toàn”. Nội dung chính của thỏa thuận này là Guatemala đồng ý tiếp nhận và cấp phép lưu trú cho những người di cư tới Mỹ bằng đường bộ và đi qua quốc gia trên, đổi lại Mỹ cho phép công dân Guatemala nhập cảnh với thị thực tạm thời vào Mỹ để lao động trong ngành nông nghiệp.

Trong khi đó, Bộ trưởng Nội vụ Guatemala Enrique Degenhart, người ký thỏa thuận với ông McAleenan, khẳng định trong thỏa thuận với Mỹ, Guatemala chỉ đồng ý cho các công dân từ Honduras và El Salvador cư trú. Chính vì vậy, có thể hiểu rằng Washington đang muốn biến Honduras và El Salvador thành những vùng đệm để ngăn chặn những người nhập cư đến từ các nước khác ở xa hơn về phía nam. Những chỉ trích về thỏa thuận đã xuất hiện, cho rằng Guatemala không có đủ điều kiện để bảo đảm an toàn và phát triển cho những người di cư bị buộc phải lưu trú tại quốc gia này. Hiện thỏa thuận di cư giữa Mỹ và Guatemala đang đối mặt nguy cơ đổ vỡ do bất đồng trên.

Trước Guatemala, Mexico cũng đã từ chối ký thỏa thuận làm vùng đệm, mặc dù chấp nhận việc chăm sóc người di cư trong thời gian họ chờ đợi làm thủ tục nhập cảnh vào Mỹ. Ngày 7-6-2019, Mexico và Mỹ đã đạt được một thỏa thuận nhằm giảm dòng người di cư Trung Mỹ vượt qua lãnh thổ Mexico để tìm đường tới Mỹ, từ đó Washington rút lại kế hoạch áp thuế nhằm vào hàng hóa nhập khẩu của Mexico. Theo thỏa thuận, Mexico cam kết triển khai Lực lượng Vệ binh quốc gia tới khu vực biên giới phía nam giáp Guatemala để ngăn chặn dòng người di cư Trung Mỹ, cũng như tiếp nhận những người di cư chờ xin tị nạn vào Mỹ. Ngoài ra, Mexico cũng sẽ triển khai một chương trình tạo việc làm và bảo vệ quyền con người đối với những người di cư trong quá trình đợi xét duyệt đơn xin tị nạn tại Mỹ. Tuy nhiên tới nay, Mỹ vẫn chần chừ chưa thực hiện đầy đủ các cam kết với Mexico, do đó chính phủ nước này không muốn ký thêm “thỏa thuận vùng đệm” nhằm tránh phải gánh thêm trách nhiệm theo yêu cầu của Washington.

Khái niệm “nước thứ ba an toàn” cho kế hoạch ngăn chặn dòng người di cư từ các vùng Nam và Trung Mỹ tìm đường vào lãnh thổ “xứ cờ hoa” đang là trở ngại chính khiến Mỹ và các quốc gia Trung Mỹ khó đạt sự đồng thuận. Theo đó, các quốc gia nằm trên đường trung chuyển của dòng người di cư phải cam kết cấp quy chế tị nạn cho nhóm người này trong thời gian họ chờ đợi được làm thủ tục nhập cảnh vào Mỹ một cách hợp pháp. Ký thỏa thuận về “nước thứ ba an toàn” đồng nghĩa các nước Trung Mỹ phải đối mặt việc chăm lo những người di cư một cách lâu dài nếu họ bị chính quyền Mỹ từ chối nhập cảnh.

Tuy nhiên, Tổng thống Donald Trump duy trì đe dọa trừng phạt các nước không mạnh tay ngăn chặn người di cư. Theo đó, áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại mới, áp thuế hoặc nâng phí đối với nguồn kiều hối, nếu các nước Trung Mỹ không chấp nhận thỏa thuận là “nước thứ ba an toàn” nhằm giảm lượng người di cư đổ tới khu vực biên giới của Mỹ. Chính sức ép của Washington đang khiến Honduras và El Salvador chần chừ trong việc ký kết các thỏa thuận di cư với Mỹ.

Hằng năm, hàng nghìn người di cư đã rời bỏ quê hương để tránh tình trạng nghèo đói, thất nghiệp và bạo lực, và bắt đầu một hành trình dài đầy khó khăn, nguy hiểm tới Mỹ. Nguy cơ tiếp nhận số lượng người di cư khổng lồ như vậy buộc nước này phải san bớt gánh nặng sang nước châu Mỹ khác. Song, thay vì cùng nhau tháo gỡ khó khăn thì thái độ đe dọa và áp đặt của Washington đã khiến vấn đề di cư vẫn khó có lối thoát.