Tìm kiếm cơ hội đối thoại

Cả Nga và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đều cam kết kiểm soát hiệu quả, giải giáp và không phổ biến vũ khí chiến lược, song mối lo về một cuộc chạy đua vũ trang ở châu Âu vẫn bùng lên sau khi Nga đình chỉ thực thi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF). Chưa đầy hai tháng nữa, Mỹ cũng sẽ chính thức chấm dứt hiệu lực bản thỏa thuận ký với Nga này. Cạnh tranh chiến lược gia tăng có thể leo thang nguy hiểm, nếu các bên không nhượng bộ, tìm kiếm cơ hội đối thoại.

Biếm họa của LUOJIE
Biếm họa của LUOJIE

Không có tiến triển đột phá nào đạt được sau cuộc họp Hội đồng NATO - Nga hôm 5-7, được tổ chức tại trụ sở NATO ở Bỉ, chỉ hai ngày sau khi Tổng thống Nga V.Putin ký phê chuẩn dự luật đình chỉ tham gia INF. Tổng Thư ký NATO G.Stoltenberg cảnh báo, cơ hội tìm ra một giải pháp nhằm cứu bản thỏa thuận chiến lược này ngày càng thu hẹp; thế giới cần chuẩn bị cho tình huống không có INF và môi trường an ninh quốc tế kém ổn định hơn. Ông Stoltenberg còn tuyên bố, liên minh quân sự này sẽ đáp trả bằng các biện pháp phòng thủ đã được thống nhất, trong trường hợp INF bị hủy bỏ.

Trước đó, Nga tuyên bố sẽ triển khai các biện pháp quân sự đáp trả những mối đe dọa của NATO liên quan việc Moscow đình chỉ thực thi INF từ ngày 3-7. Thứ trưởng Ngoại giao Nga S.Ryabkov nói với hãng tin TASS rằng, việc NATO cố tình mô tả những gì họ làm chỉ là biện pháp nhằm đối phó Nga, về bản chất, là hành động nhằm đánh lạc hướng dư luận. Theo Moscow, gần đây NATO luôn thể hiện thái độ nước đôi trong quan hệ với Nga, vừa đối thoại vừa răn đe, gắn hợp tác Nga - NATO với các vấn đề khác, chẳng hạn cuộc khủng hoảng Ukraine.

INF được Mỹ và Liên Xô (trước đây) ký ngày 8-12-1987, có hiệu lực từ ngày 1-6-1988. Theo đó, hai bên cam kết không sản xuất, thử nghiệm, triển khai các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình trên mặt đất có tầm bắn từ 500 đến 5.500 km. Những tên lửa tầm trung bị xem là có khả năng gây bất ổn cực lớn, vì chúng tiến công các mục tiêu trong thời gian ngắn hơn so các tên lửa đạn đạo liên lục địa. Tính chất này khiến người ra quyết định không kịp phản ứng và làm gia tăng rủi ro xung đột hạt nhân toàn cầu nếu có tính toán sai lầm. Bởi thế, INF được xem là một thành tựu ngoại giao nổi bật trong Chiến tranh lạnh, và được đánh giá là công cụ giúp xóa bỏ mối đe dọa hạt nhân giữa hai cường quốc, khi đó luôn trong trạng thái dễ rơi vào tình trạng căng thẳng leo thang.

Việc Nga tạm rút khỏi các cam kết theo INF là nhằm đáp trả động thái của Mỹ, khi Tổng thống D.Trump tuyên bố đình chỉ các nghĩa vụ trong INF từ ngày 2-2 vừa qua với cáo buộc Nga vi phạm hiệp ước, đồng thời khởi động tiến trình rút khỏi INF trong sáu tháng, tức là sẽ chính thức chấm dứt thực hiện cam kết từ ngày 2-8 tới. Lần đầu cáo buộc Moscow vi phạm INF vào tháng 7-2017, từ đó đến nay Washington liên tiếp lặp lại các cáo buộc và không nhất trí đối thoại nhằm giải quyết khủng hoảng. Tuy nhiên, Nga bác bỏ mọi cáo buộc của Mỹ liên quan INF, tuyên bố ngừng tham gia INF nhằm đáp trả, song luôn để ngỏ cơ hội đàm phán với Mỹ. Ngày 18-6, Duma quốc gia (Hạ viện) Nga thông qua dự luật đình chỉ thực thi INF, mở đường để Tổng thống V.Putin ký ban hành dự luật vào ngày 3-7.

Theo Điện Kremlin, không phải Nga, mà chính Mỹ đã phá vỡ hệ thống an ninh quốc tế bằng hành động đơn phương rút khỏi Hiệp ước chống tên lửa đạn đạo năm 2002, thỏa thuận được coi là “hòn đá tảng” trong cấu trúc kiểm soát vũ khí chiến lược. Thực tế, Moscow nhiều lần đề xuất đối thoại để giải quyết các mối quan ngại liên quan INF, song Washington luôn từ chối, và cũng không sẵn sàng thảo luận gia hạn Hiệp ước cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược mới (START), sẽ hết hiệu lực từ đầu năm 2021 tới. Tổng thống V.Putin khẳng định, Moscow cần có biện pháp tự vệ và bảo đảm an ninh quốc gia, song sẽ không để bị lôi kéo vào một cuộc chạy đua vũ trang mới.

Tạm chấm dứt INF, song Nga khẳng định không chạy đua vũ trang và sẵn sàng đối thoại với Mỹ về vấn đề giải trừ quân bị, ổn định chiến lược. Đến nay, Mỹ chưa đưa ra bình luận gì liên quan việc Nga đình chỉ INF. Song, Nga vẫn khẳng định mong muốn sớm khởi động đối thoại với Mỹ, hy vọng sau cuộc gặp vào trung tuần tháng 7 này tại Thụy Sĩ, giữa các Thứ trưởng Ngoại giao hai nước bàn vấn đề kiểm soát vũ khí và an ninh quốc tế.