Tiền đề thuận lợi

Thiện chí và nỗ lực tích cực của các bên đang tạo dựng tiền đề thuận lợi cho một cuộc gặp cấp cao của nhóm “Bộ tứ Normandy”, được ấn định tổ chức đầu tháng 12 tới, nhằm giúp Ukraine giải quyết khủng hoảng. Đây được cho là “thời điểm vàng” để Ukraine quyết định bước đi đột phá nhằm chấm dứt cuộc xung đột kéo dài 5 năm qua ở miền đông đất nước và cải thiện quan hệ với nước láng giềng Nga.

Hai lãnh đạo mới của Pháp (trái) và Ukraine được hy vọng sẽ tháo gỡ bế tắc trong đàm phán hòa bình. Ảnh: UNIAN
Hai lãnh đạo mới của Pháp (trái) và Ukraine được hy vọng sẽ tháo gỡ bế tắc trong đàm phán hòa bình. Ảnh: UNIAN

Những nỗ lực của Tổng thống Pháp E.Macron trong nhiều tháng qua đã đạt kết quả, khi các nhà lãnh đạo “Bộ tứ Normandy” (gồm Ukraine, Nga, Pháp và Đức) nhất trí tới Paris dự hội nghị cấp cao do Pháp chủ trì nhằm tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng ở Ukraine, dự kiến ngày 9-12 tới. Đây sẽ là cuộc gặp cấp cao đầu tiên kể từ khi cơ chế đàm phán theo “thể thức Normandy” bị ngưng trệ sau hội nghị bốn bên do Đức chủ trì tại Berlin năm 2016. Đây cũng là lần đầu kể từ khi nhậm chức, Tổng thống Ukraine V.Zelensky gặp trực tiếp người đồng cấp nước láng giềng, Tổng thống Nga V.Putin.

Đàm phán cấp cao theo “định dạng Normandy” được khôi phục là do các bên đánh giá tích cực bối cảnh hiện tại, với tiền đề thuận lợi là những “bước tiến lớn” trong các cuộc thương lượng giữa các bên vài tháng gần đây, cũng như tiến triển rõ rệt trên thực địa ở miền đông Ukraine. Mới nhất, hôm 12-11, Phái bộ giám sát đặc biệt của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) xác nhận, quân đội Ukraine và các nhóm đòi độc lập ở miền đông nước này đã hoàn tất rút lực lượng và vũ khí khỏi ba khu vực giới tuyến, theo đúng cam kết trong Thỏa thuận Minsk mà các bên ký năm 2016. Đây là tiền đề trực tiếp, bởi việc rút quân được xem là điều kiện then chốt để nối lại khuôn khổ đàm phán Normandy.

Hoan nghênh việc các bên ở Ukraine hoàn tất rút quân khỏi ranh giới xung đột, Nga lập tức có động thái tích cực, khi trao trả ba tàu của Hải quân Ukraine bị Moscow bắt giữ tại Biển Đen hồi tháng 11-2018 với cáo buộc xâm phạm lãnh hải Nga. Quyết định của Nga được các bên hoan nghênh, tạo thêm tiền đề thuận lợi nữa trước thềm hội nghị quan trọng của “bộ tứ Normandy”. Thực tế, quan hệ Ukraine - Nga đã được cải thiện sau khi Tổng thống Zelensky lên nắm quyền ở Ukraine, với chủ trương loại bỏ các yếu tố gây bất lợi cho nỗ lực ổn định tình hình đất nước, trong đó có những “động thái thù địch” nhằm vào Nga. Thành quả đầu tiên ông Zelensky gặt hái là việc trao đổi tù nhân giữa Ukraine và Nga, vốn được đánh giá là “bước tiến dài” hướng tới bình thường hóa quan hệ giữa Kiev và Moscow.

“Thể thức Normandy” ra đời năm 2014, vào dịp lãnh đạo Ukraine khi đó là cựu Tổng thống Petro Poroshenko tới Pháp dự kỷ niệm 70 năm ngày quân đồng minh đổ bộ lên bãi biển Normady trong Chiến tranh thế giới thứ hai, đồng thời tiến hành thảo luận với các lãnh đạo Pháp, Đức và Nga về cuộc xung đột ở miền đông Ukraine. Tuy nhiên, cơ chế này ngừng hoạt động năm 2016 sau khi Tổng thống Putin từ chối tiếp tục gặp người đồng cấp Poroshenko.

Được đánh giá là diễn đàn hiệu quả và thực tế nhất ở thời điểm hiện tại giúp giải quyết khủng hoảng Ukraine, đàm phán “định dạng Normandy” được khôi phục đã khơi lên hy vọng mới. Ít nhất, những yếu tố mới, thuận lợi có thể đem đến những tiến triển thực chất. Với hai lãnh đạo mới (Pháp và Ukraine), diễn đàn Normandy được kỳ vọng có thể tháo gỡ bế tắc trong đàm phán hòa bình ở Ukraine.

Rút lực lượng khỏi giới tuyến xung đột và dành quy chế tự trị đặc biệt cho các vùng ly khai ở miền đông Ukraine là hai vấn đề mấu chốt cần giải quyết đầu tiên. Hoàn tất rút quân tại các vùng thí điểm vừa rồi là tiền đề để mở rộng ra các khu vực khác. Trong khi đó, luật về quy chế tự chủ sâu rộng cho các vùng lãnh thổ đòi độc lập ở miền đông sẽ hết hiệu lực vào cuối năm 2019. Đây sẽ là những nội dung được các nhà lãnh đạo bốn nước thảo luận tại cuộc gặp quan trọng ở Paris sắp tới.