Thuốc thử lòng tin

Mỹ và Trung Quốc đã chính thức ký thỏa thuận thương mại giai đoạn một. Đây là sự kiện được kỳ vọng giúp “hạ nhiệt” căng thẳng thương mại kéo dài gần hai năm qua giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, qua đó giảm bớt những rủi ro đối với nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, để các thỏa thuận có được kết quả tốt đẹp thì hai bên cần nhiều hơn nữa sự tin tưởng lẫn nhau.

Nguồn: CGTN
Nguồn: CGTN

Theo thỏa thuận thương mại giai đoạn một ký ngày 15-1 vừa qua, Trung Quốc cam kết mua 200 tỷ USD hàng hóa của Mỹ trong vòng hai năm tới. Cụ thể, Bắc Kinh đã đồng ý mua thêm 50 tỷ USD từ nông sản, 75 tỷ USD các sản phẩm chế tạo, 50 tỷ USD năng lượng… Đổi lại, Washington sẽ không áp thuế đối với 160 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc, ban đầu dự kiến có hiệu lực vào ngày 15-12-2019, đồng thời hạn chế một số mức thuế đã áp với hàng hóa Trung Quốc. Tuy nhiên, mức thuế của Mỹ áp lên lượng hàng hóa trị giá 375 tỷ USD của Trung Quốc vẫn được duy trì cho tới giai đoạn hai.

Giới chức Mỹ và Trung Quốc coi việc đạt được thỏa thuận thương mại giai đoạn một là một bước đi quan trọng sau 18 tháng đàm phán bế tắc, trong bối cảnh hai bên liên tục tung ra các đòn áp thuế lẫn nhau, gây xáo trộn các chuỗi cung ứng toàn cầu và làm dấy lên quan ngại về nguy cơ kinh tế toàn cầu tuột dốc. Do đó, một thỏa thuận thương mại bước đầu được xem là thiện chí “đình chiến”, là cơ sở để Washington và Bắc Kinh có cái nhìn lạc quan hơn cũng như tạo niềm tin cho nhau để xúc tiến bước đàm phán tiếp theo.

Thỏa thuận thương mại giai đoạn một cũng là chiến thắng lớn đối với Tổng thống Trump, khi ông chuẩn bị bước vào năm bầu cử 2020, do thỏa thuận này có thể giảm bớt nguy cơ suy thoái và thúc đẩy thị trường chứng khoán, phần nào giúp ông lấy lại niềm tin của cử tri Mỹ. Trong khi đó, đối với Trung Quốc, thỏa thuận này sẽ giúp cải thiện triển vọng thương mại, giảm bớt nhu cầu phải triển khai gói kích cầu quy mô lớn nhằm thúc đẩy nền kinh tế. Việc ký kết thỏa thuận giai đoạn một cũng sẽ giúp làm chững lại cuộc xung đột thương mại giữa hai nước, hạ thấp nguy cơ cản trở tăng trưởng toàn cầu, đồng thời là bước đi đầu tiên hướng đến một thỏa thuận thương mại toàn diện hơn giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Tuy nhiên, việc thành hay bại của các thỏa thuận thương mại tiếp theo sẽ còn phụ thuộc nhiều yếu tố. Theo nhận định của giới phân tích, việc ký kết thỏa thuận thương mại giai đoạn hai và tiếp theo có tiến triển thuận lợi hay không sẽ phải trông đợi vào kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới. Đây được coi là sự kiện quan trọng cho tương lai của quan hệ thương mại Mỹ - Trung Quốc, khi người chiến thắng có thể làm xoay đổi cục diện bất đồng. Theo AP, Bắc Kinh hy vọng vào một chiến thắng dành cho cựu Phó Tổng thống Joe Biden, người có quan điểm ủng hộ tự do thương mại và hợp tác với Trung Quốc thay vì đối đầu. Bên cạnh đó, từ nay đến giai đoạn hai, bất đồng có thể sẽ nảy sinh liên quan các nội dung cụ thể của thỏa thuận, như quy mô của các thương vụ mua nông sản Mỹ và các điều khoản nhằm ngăn chặn hành vi đánh cắp sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ bắt buộc của Trung Quốc.

Theo giới quan sát, mục tiêu của Trung Quốc mua thêm 50 tỷ USD hàng nông sản Mỹ trong tổng số hàng hóa trị giá 200 tỷ USD là không thực tế. Thống kê cho thấy, Trung Quốc chưa bao giờ mua quá 26 tỷ USD hàng nông sản của Mỹ trong một năm. Trong khi đó, việc thực thi các điều khoản về sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ cũng bị xem là vấn đề khó khăn, khi hiện chưa có một cơ chế giám sát hay trọng tài độc lập về vấn đề này để bảo đảm hai bên sẽ giữ các cam kết của mình trong thời gian tới…

Do đó, việc Mỹ và Trung Quốc ký kết thỏa thuận giai đoạn một, dù là bước khởi đầu thuận lợi để hai bên giảm bớt căng thẳng, song chưa thể giúp cài đặt lại mối quan hệ thương mại giữa hai nước. Tuy nhiên, thỏa thuận này được xem là liều “thuốc thử” đối với lòng tin của hai bên trên con đường tiến tới chấm dứt cuộc chiến thương mại hiện nay.