Thỏa thuận mong manh

Cộng đồng quốc tế vẫn đang kêu gọi Armenia và Azerbaijan tôn trọng lệnh ngừng bắn thứ hai tại Nagorno-Karabakh, sau khi hai bên tiếp tục cáo buộc lẫn nhau vi phạm thỏa thuận ngừng bắn mới. Những mâu thuẫn tồn tại dai dẳng ở khu vực này được xem là nguyên nhân khiến mọi nỗ lực chấm dứt xung đột vẫn lâm vào bế tắc.

Biếm họa của PARESH NATH
Biếm họa của PARESH NATH

Ngày 19-10 vừa qua, Armenia và Azerbaijan đã tiếp tục cáo buộc lẫn nhau vi phạm thỏa thuận ngừng bắn nhân đạo mới nhằm chấm dứt giao tranh tại khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh. Thỏa thuận này có hiệu lực từ ngày 18-10 (giờ Việt Nam). Ngày 17-10 vừa qua, Armenia và Azerbaijan đã đạt thỏa thuận ngừng bắn nhân đạo nói trên, là thỏa thuận thứ hai kể từ khi căng thẳng tái bùng phát tại Nagorno-Karabakh cuối tháng 9, làm hàng trăm người thiệt mạng. Trước đó, trong cuộc tham vấn theo sáng kiến của Nga, Azerbaijan và Armenia đã đồng ý về lệnh ngừng bắn đầu tiên từ ngày 10-10 vì mục đích nhân đạo, song lệnh ngừng bắn này đã đổ vỡ ngay sau khi có hiệu lực.

Trước tình hình trên, Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ đã kêu gọi Armenia và Azerbaijan tôn trọng lệnh ngừng bắn thứ hai tại Nagorno-Karabakh. Trong cuộc thảo luận kín tại trụ sở LHQ ở New York (Mỹ) theo đề nghị của ba nước ủy viên thường trực HĐBA là Pháp, Nga và Mỹ, các nước ủy viên HĐBA đã nhắc lại lời Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres kêu gọi các bên tôn trọng lệnh ngừng bắn mới.

Xung đột tiếp diễn trên thực địa đẩy lệnh ngừng bắn do Nga làm trung gian vào tình thế mong manh, nhưng Điện Kremlin khẳng định hai bên xung đột đều công nhận tầm quan trọng của việc giám sát thực hiện lệnh ngừng bắn nhân đạo mới đạt được. Nhóm Minsk thuộc Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE), do Nga, Pháp và Mỹ làm đồng chủ tịch, vẫn tìm kiếm một giải pháp nhằm chấm dứt cuộc xung đột. 

Theo giới quan sát, hy vọng tạm ngừng xung đột vẫn còn, khi trả lời các cuộc phỏng vấn riêng rẽ độc quyền với hãng thông tấn quốc gia TASS của Nga, lãnh đạo cả hai nước Armenia và Azerbaijan đều khẳng định sẵn sàng đến Thủ đô Moscow để cùng ngồi vào bàn đàm phán, đồng thời nhấn mạnh vai trò trung gian quan trọng của Nga trong cuộc xung đột hiện nay.

Khu vực Nagorno-Karabakh nằm sâu trong lãnh thổ phía tây nam của Azerbaijan, nhưng có phần lớn dân cư là người gốc Armenia sinh sống và muốn sáp nhập vùng này vào Armenia. Điều này đã châm ngòi cho những tranh chấp chủ quyền giữa hai nước, mà đỉnh điểm là cuộc chiến tranh kéo dài từ tháng 2-1988 đến tháng 5-1994, khiến khoảng 30.000 người chết. Căng thẳng tái bùng phát từ sáng 27-9 vừa qua, sau khi nổ ra các vụ đụng độ ác liệt giữa hai bên.

Trở ngại lớn nhất hiện nay trong các cuộc đàm phán chấm dứt xung đột ở Nagorno-Karabakh vẫn liên quan vấn đề chủ quyền lãnh thổ đối với khu vực này. Theo AP, Thủ tướng Armenia, Nikol Pashinyan khẳng định sẽ nỗ lực hết sức để đạt được thỏa thuận hòa bình với phía Azerbaijan, tuy nhiên theo ông Pashinyan, một vấn đề mang tính nguyên tắc là cần xác định tình trạng của vùng lãnh thổ Nagorno-Karabakh. Trong khi đó, Tổng thống Azerbaijan, Ilham Aliyev tuyên bố cần phải kết thúc đối đầu và tìm kiếm cách giải quyết cho cuộc xung đột song vẫn để ngỏ khả năng đáp trả những động thái sử dụng vũ lực của Armenia.

Bên cạnh đó, một yếu tố khác cản trở các cuộc đàm phán đi vào thực chất chính là sự can dự của Thổ Nhĩ Kỳ. Thủ tướng Armenia, Nikol Pachinian khi trả lời phỏng vấn báo Le Figaro (Pháp) cho biết, có các bằng chứng về sự can dự quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc xung đột ở Nagorno-Karabakh. “Ankara cung cấp cho Azerbaijan các phương tiện quân sự, vũ khí cũng như các cố vấn quân sự; đào tạo và điều chuyển hàng nghìn lính đánh thuê từ những vùng do Thổ Nhĩ Kỳ chiếm đóng tại phía bắc Syria tới Nagorno-Karabakh”. Giới phân tích cho rằng, mối quan hệ mật thiết giữa Ankara và Baku đã tồn tại lâu nay, ngày càng chặt chẽ khi cả hai có cùng lợi ích kinh tế, hợp tác xây dựng đường ống dẫn khí đốt của Azerbaijan, xuất khẩu sang châu Âu qua ngả Thổ Nhĩ Kỳ. 

Với những diễn biến hiện nay, sẽ không ngạc nhiên khi lệnh ngừng bắn mới nhất có khả năng tiếp tục đổ vỡ. Nỗ lực kêu gọi Armenia và Azerbaijan thay đối đầu bằng đối thoại tuy cần thiết nhưng là chưa đủ, mà quan trọng hơn hết là hai bên cần thật sự bày tỏ thiện chí để các cuộc đàm phán tới đây sẽ mang lại hòa bình lâu dài.