Thế “tiến thoái lưỡng nan”

Giải cứu nền kinh tế đang rơi vào suy thoái là nhiệm vụ cấp bách của Chính phủ Mỹ. Bộ Tài chính nước này vừa thông báo sẽ thực hiện khoản vay kỷ lục trị giá gần 3.000 tỷ USD, trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 6 tới, để cấp vốn cho các chương trình cứu trợ dành cho cá nhân và doanh nghiệp chịu tổn thất do đại dịch Covid-19, khiến hầu hết các lĩnh vực kinh tế phải ngừng hoạt động.

Biếm họa của R.J. MATSON
Biếm họa của R.J. MATSON

Bộ Tài chính Mỹ cho biết, tổng giá trị khoản vay trong quý II - 2020 là 2.999 tỷ USD, cao gấp năm lần khoản vay có giá trị lớn nhất mà Bộ Tài chính Mỹ từng thực hiện trong một quý và cũng vượt xa tổng nợ chính phủ hằng năm. Năm tài khóa 2019, tổng nợ chính phủ cũng chỉ ở mức 1.280 tỷ USD. Thông báo của Bộ Tài chính Mỹ nêu rõ, mức tăng kỷ lục này chủ yếu do tác động của dịch bệnh làm tăng chi tiêu chính phủ, trong đó bao gồm các khoản chi tiêu dành cho hỗ trợ các cá nhân và doanh nghiệp ứng phó dịch bệnh và các biện pháp hoãn thu thuế.

Mỹ đưa ra kế hoạch giải cứu nêu trên trong bối cảnh nền kinh tế đang hứng chịu những tác động mạnh do các biện pháp hạn chế nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan, khiến các doanh nghiệp phải đóng cửa, hạn chế đầu tư và mua sắm, làm gián đoạn chuỗi sản xuất và cung ứng. Theo báo cáo của Chính phủ Mỹ, GDP của nước này trong quý I - 2020 đã giảm mạnh ở mức 4,8% do tác động của đại dịch. Đây là mức giảm tính theo quý lớn nhất kể từ quý IV - 2008, chấm dứt hơn một thập kỷ tăng trưởng kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Theo Bộ Thương mại Mỹ, số lượng đơn đặt hàng tại các nhà máy đã giảm xuống mức kỷ lục trong tháng 3 vừa qua. Các chuyên gia kinh tế cảnh báo, GDP của Mỹ trong quý II - 2020 có thể giảm tới 30% hoặc hơn do dịch Covid-19 lên mức đỉnh ở một số bang.

Tình trạng nghiêm trọng nêu trên khiến Quốc hội Mỹ đầu tuần này đã nhanh chóng vượt qua các bất đồng, thông qua gói cứu trợ trị giá gần 3.000 tỷ USD dành cho các cá nhân và doanh nghiệp chịu tổn thất do đại dịch. Gói cứu trợ này bao gồm tiền chi trả các khoản trợ cấp thất nghiệp, các khoản cho vay dành cho doanh nghiệp nhỏ và những ngành trọng điểm để giúp các nhóm này vượt qua khủng hoảng và duy trì chi trả lương nhân công. Trước đó, kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát tại Mỹ, chính quyền cũng như Quốc hội Mỹ đã tung ra bốn gói hỗ trợ cho các ngành công nghiệp, doanh nghiệp và người lao động.

Ngoài ra, Cục Dữ trữ liên bang Mỹ (FED) cũng đưa ra nhiều chương trình hỗ trợ tài chính cho các ngân hàng, công ty, doanh nghiệp nhỏ. FED đã ra mắt một cơ chế cho vay tạm thời, lần đầu cho phép các ngân hàng trung ương nước ngoài chuyển đổi trái phiếu kho bạc Mỹ của họ thành USD. Trong động thái mới nhất, FED thông báo kế hoạch mở rộng chương trình tín dụng ưu đãi trị giá 500 tỷ USD, cho phép các thành phố và địa phương nhỏ bị ảnh hưởng dịch Covid-19 được tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ nhằm giảm thấp nhất các thiệt hại kinh tế. Ngân hàng này cũng cho rằng, họ cần phải hỗ trợ mạnh mẽ cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp để ngăn tín dụng cạn kiệt, tình trạng sẽ kéo theo các vụ phá sản quy mô lớn và khiến thất nghiệp tăng cao hơn nữa.

Để giải quyết các khó khăn kinh tế, Bộ Tài chính Mỹ ước tính sẽ phải vay thêm 677 tỷ USD trong quý III - 2020, song tin tưởng sẽ không khó khăn để tìm kiếm các nhà đầu tư sẵn sàng mua những khoản nợ do Chính phủ Mỹ phát hành, do đây luôn được các nhà đầu tư đánh giá là kênh đầu tư chắc chắn. Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin lạc quan rằng, nền kinh tế Mỹ sẽ phục hồi mạnh mẽ vào quý III, khi các bang dỡ bỏ quy định giãn cách xã hội và hàng nghìn tỷ USD hỗ trợ khẩn cấp của liên bang đến được tay các doanh nghiệp và hộ gia đình.

Tuy nhiên, hầu hết các chuyên gia kinh tế độc lập tỏ ra quan ngại trước tình trạng kinh tế Mỹ hiện tại. Điều đáng lo nhất là nước Mỹ hiện vẫn ở thế “tiến thoái lưỡng nan”, nếu không tái khởi động nền kinh tế, suy giảm sẽ nghiêm trọng hơn, nhưng lơi lỏng chống dịch Covid-19 có thể khiến đại dịch tái bùng phát.