Thế bế tắc tại Afghanistan

Các nỗ lực lập lại hòa bình và ổn định cho Afghanistan vẫn đang được xúc tiến, với hàng loạt động thái cũng như tuyên bố ủng hộ của nhiều nước đối với cuộc hòa đàm giữa chính quyền Kabul và phiến quân Taliban đang diễn ra tại Doha (Qatar). Tuy nhiên, nhiều khả năng vòng đàm phán khó đạt được kết quả khả quan, bởi sự nhượng bộ và thiện chí của các bên chưa xuất hiện.

Biếm họa của MAARTEN WOLTERINK
Biếm họa của MAARTEN WOLTERINK

Theo CNN, Đặc phái viên của Mỹ về Afghanistan, Z.Khalilzad ngày 1-3 đã tiến hành các cuộc thảo luận với ông A.Abdullah, Chủ tịch Hội đồng Hòa giải dân tộc cấp cao của Afghanistan, về các biện pháp nhằm đẩy nhanh tiến trình hòa bình. Ông Khalilzad thăm Kabul trước khi đến Qatar, nơi đang diễn ra các cuộc đàm phán giữa đại diện của Chính phủ Afghanistan và nhóm phiến quân Taliban. Theo Người phát ngôn của ông Abdullah là Fraidoon Khwazoon, các chủ đề thảo luận chính trong chuyến thăm của đặc phái viên Mỹ bao gồm diễn biến tiến trình hòa bình, nỗ lực thúc đẩy tiến trình này và đánh giá của chính quyền mới ở Mỹ về thỏa thuận hòa bình Doha.

Các cuộc đàm phán hòa bình do Mỹ làm trung gian giữa Chính phủ Afghanistan và Taliban bắt đầu diễn ra từ tháng 9-2020, cũng tại Doha, tuy nhiên tiến độ đàm phán đã chậm lại và tình trạng bạo lực ở Afghanistan gia tăng, trong bối cảnh chưa có sự chắc chắn về việc các lực lượng quốc tế rút quân khỏi nước này vào tháng 5 năm nay theo kế hoạch ban đầu. 

Theo thỏa thuận giữa Mỹ và Taliban đạt được hồi tháng 2-2020 dưới thời chính quyền của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, tất cả lực lượng Mỹ sẽ rút khỏi Afghanistan trước tháng 5-2021. Taliban cũng yêu cầu các lực lượng quân sự nước ngoài phải rút khỏi Afghanistan trước ngày 1-5 tới. Tuy nhiên, chính quyền đương nhiệm của Tổng thống Joe Biden đang xem xét lại thỏa thuận này trong bối cảnh bạo lực gia tăng tại Afghanistan. Ngày 12-2 vừa qua, một quan chức hàng đầu của Mỹ cho biết Washington đang trong tình thế “tiến thoái lưỡng nan”, khi hạn chót đang đến gần nhưng Taliban chưa có dấu hiệu chấm dứt các hành động bạo lực, động thái được cho là nhằm gây sức ép trên bàn đàm phán, buộc Chính phủ Afghanistan phải yêu cầu Mỹ và đồng minh nhanh chóng rút quân.

Trong khi đó, báo chí phương Tây tiết lộ, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, Tướng Mark Milley đã có các cuộc gặp bí mật với các nhà đàm phán hòa bình của Taliban tại Doha. Theo AP, cuộc gặp này diễn ra ngày 2-3, với nội dung chính là thúc giục Taliban lập tức giảm bạo lực ở Afghanistan. Tướng Mỹ đưa ra thông điệp với Taliban rằng “tất cả phụ thuộc vào việc có giảm được bạo lực hay không?”. Đây là lần thứ hai Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ có cuộc gặp riêng với đoàn đàm phán của Taliban, song xem ra đến nay các cuộc tiến công do Taliban tiến hành ở Afghanistan cho thấy các cuộc gặp nói trên chưa thu được kết quả nào.

Trong khi Mỹ và chính quyền Afganistan đang tìm cách tháo gỡ bế tắc, Bộ trưởng Ngoại giao Afghanistan, Mohammed Haneef Atmar đã có chuyến thăm Nga kéo dài ba ngày, trong đó có các cuộc gặp với người đồng cấp Nga Sergey Lavrov, Thư ký Hội đồng An ninh Nga Nikolai Patrushev... Trong các cuộc gặp, ông Atmar nhấn mạnh Chính phủ Afghanistan đã tuân thủ đầy đủ mọi nghĩa vụ của mình (theo thỏa thuận với Taliban), trong đó có việc phóng thích tới 6.000 tù nhân Taliban, song Taliban đã “thất hứa” đối với các cam kết xây dựng hòa bình. 

Phát biểu ý kiến với báo chí sau cuộc gặp với người đồng cấp Nga Sergey Lavrov, ông Atmar cho biết trong tương lai, Afghanistan sẵn sàng chuyển cuộc đàm phán hòa bình với lực lượng Taliban hiện đang được tổ chức ở Thủ đô Doha của Qatar sang thủ đô của một quốc gia khác, thí dụ như Moscow của Nga. Trước đó, Nga từng tuyên bố sẵn sàng tổ chức cuộc đàm phán hòa bình giữa chính quyền Afghanistan và lực lượng Taliban nếu các bên đề nghị. 

Theo nhận định của giới phân tích, việc Nga tham dự sâu hơn vào tiến trình hòa bình ở Afghanistan có thể là “lối thoát mới” cho các vòng đàm phán đang bế tắc hiện nay, giữa lúc cả Mỹ và Taliban vẫn chưa đi đến đích trong thương lượng về giảm bạo lực. Tuy nhiên, dù Mỹ hay Nga là bên bảo trợ các cuộc hòa đàm thì đích đến lớn nhất vẫn là dung hòa được lợi ích của cả chính quyền Kabul và Taliban, cũng như để người dân Afghanistan được tự quyết định tương lai của đất nước.