Tham vọng mới

Liên hiệp châu Âu (EU) vừa khởi động thảo luận về hiệp ước di trú mới, với tham vọng cải cách chính sách tị nạn bị đánh giá là thất bại thời gian qua. Đề xuất bỏ hạn ngạch tiếp nhận người di cư được kỳ vọng giúp tháo gỡ bất đồng, song quy định đóng góp nghiêm ngặt hơn có thể gây những tranh cãi mới.

Biếm họa của PODVITSKI
Biếm họa của PODVITSKI

Dự án cải cách chính sách của Ủy ban châu Âu (EC) mang tên “Hiệp ước di cư và cư trú mới” chính thức được khởi động thảo luận tại Hội nghị Bộ trưởng Nội vụ EU hôm 8-10. Theo Đức, nước giữ chức Chủ tịch luân phiên EU sáu tháng cuối năm 2020, mục tiêu của khối là tháo gỡ những bất đồng dai dẳng và thống nhất chính sách chú trọng những đối tượng dễ bị tổn thương cần được bảo vệ, nhất là người di cư và tị nạn từ các nước có chiến tranh và nghèo đói ở khu vực Trung Đông và châu Phi đổ về “lục địa già”. Trong vai trò điều phối khối, Đức đặt mục tiêu đạt thỏa thuận về chính sách của EU vào cuối năm, tuy nhiên Berlin cũng không loại trừ tiến trình có thể kéo dài.

Chủ tịch EC Ursula von der Leyen đề xuất chính sách tị nạn mới hồi tháng 9, ngay sau các vụ cháy thiêu rụi nhiều trại tị nạn trên đảo Lesbos của Hy Lạp, đẩy hàng nghìn người di cư vào cảnh màn trời chiếu đất và đưa tranh cãi nội bộ EU nóng trở lại. Là cửa ngõ người di cư cập bờ châu Âu, các thành viên EU ven Địa Trung Hải như Hy Lạp, Italia hay Malta, chịu tác động nặng nề từ làn sóng tị nạn và phải kêu gọi sự trợ giúp của EU. Sự xuất hiện của hơn một triệu người di cư vào châu Âu năm 2015 đã châm ngòi cho cuộc khủng hoảng chính trị, khi các thành viên EU không ngừng tranh cãi về trách nhiệm tiếp nhận người tị nạn và nghĩa vụ giúp đỡ các nước tuyến đầu. Hiện, số người nhập cư trái phép vào EU đã giảm, khoảng 140 nghìn người mỗi năm. Song, tranh cãi về hạn ngạch tiếp nhận vẫn không hạ nhiệt.

Theo EC, Hiệp ước di cư và cư trú mới sẽ tạo khởi đầu mới, đem đến cơ hội mới để củng cố và đề cao giá trị nhân đạo của EU, khẳng định năng lực của khối bảo đảm các quyền cơ bản cho người tị nạn. Những mục tiêu mới được đưa ra, như tăng cường bảo vệ biên giới và các bờ biển của EU; phân phối công bằng về nghĩa vụ và trách nhiệm đoàn kết giữa các nước thành viên; cải thiện hiệu quả thủ tục đăng ký đối với người nhập cư; hợp tác với các đối tác ngoài EU ngăn chặn nạn buôn người, cũng như hồi hương người bị từ chối quy chế tị nạn.

Nội dung quan trọng và được chờ đợi nhất là dỡ bỏ hạn ngạch bắt buộc. Mỗi năm, EC sẽ xem xét và đưa ra con số người nhập cư phải tiếp nhận dựa trên tính toán về sức mạnh kinh tế, dân số và năng lực thực tế của từng thành viên. Quy định mới được cho là giải tỏa bế tắc lâu nay, khi một số nước EU phản đối quy chế phân bổ tiếp nhận người tị nạn vì nó cứng nhắc và thiếu công bằng. Hiện Hungary, Bulgaria, Czech và Slovakia từ chối tiếp nhận người di cư theo hạn ngạch EU phân bổ.

Thay vào đó, EC đưa ra điều khoản hoán đổi. Theo đó, các nước thành viên không tự nguyện tiếp nhận thêm người tị nạn sẽ phải tăng đóng góp tài chính, chủ yếu để chi trả cho việc trục xuất người di cư. Mức đóng góp được tính toán theo khả năng kinh tế và quy mô dân số của từng thành viên. EC cũng đề xuất chi trả cho nước tiếp nhận, với mức 10 nghìn euro cho mỗi người di cư. Quy định mới được xem là nhằm giảm sức ép cho những nước tuyến đầu, qua việc kích hoạt cơ chế “đoàn kết bắt buộc”, các thành viên phải lựa chọn hoặc tiếp nhận người di cư, hoặc hỗ trợ những nước tiếp nhận. Sự trợ giúp của EU cũng không còn giới hạn cho những nước tiếp nhận, mà với cả các thành viên đưa người di cư trở về nơi họ xuất phát.

Chính sách mới cho thấy tham vọng của EU thiết lập một hệ thống “đóng góp linh hoạt”, nhưng bắt buộc hợp tác khi áp lực về vấn đề người tị nạn lên cao. Nghĩa là các nước thành viên được tự quyết định tiếp nhận người tị nạn, đóng góp hỗ trợ các thành viên khác, hay giúp người di cư trở về quê hương họ, chứ không được phép không hành động.