Thách thức lớn của G20

Ngày 9-6, Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc ngân hàng trung ương Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã kết thúc, với tuyên bố chung nhấn mạnh nền kinh tế toàn cầu đang phải đối mặt các thách thức lớn như căng thẳng thương mại, căng thẳng địa chính trị, vấn đề già hóa dân số... Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo tài chính G20 vẫn chưa thể thống nhất được quan điểm hành động để giảm thiểu những mối đe dọa đối với tăng trưởng kinh tế thế giới.

Biếm họa của DAVE GRANLUND
Biếm họa của DAVE GRANLUND

Trong tuyên bố chung, các lãnh đạo tài chính G20 thừa nhận tăng trưởng toàn cầu vẫn còn thấp trong khi các căng thẳng thương mại và địa - chính trị đang ngày càng gia tăng. Tuyên bố chung nêu rõ, thương mại quốc tế và đầu tư cần tiếp tục là những động lực quan trọng của tăng trưởng, sản xuất, cải cách, tạo việc làm và phát triển.

Tại hội nghị, các lãnh đạo tài chính G20 cũng đã thảo luận nhiều vấn đề gai góc như đánh thuế những “gã khổng lồ” internet. Trong bối cảnh sự bùng nổ của internet đã và đang thay đổi cách thức hoạt động của thương mại, các nhà cung cấp dịch vụ lớn trên internet như Google, Apple, Facebook hay Amazon đã dùng cùng một cách thức giống nhau để né thuế, đó là chuyển lợi nhuận sang một công ty con ở nước ngoài, nơi có mức đánh thuế thấp. Đây được xem là một hành vi không công bằng trong hoạt động doanh nghiệp. Lo ngại thiếu một hành động toàn cầu trong vấn đề này, một số nước như Anh và Pháp đã áp dụng thuế kỹ thuật số.

Dẫu vậy, vẫn còn một chặng đường dài phía trước để có thể hiện thực hóa mục tiêu này khi các nước vẫn bất đồng trong cách thức thực thi. Thời điểm sớm nhất mà lãnh đạo G20 có thể nhất trí đặt bút ký vào văn kiện cải tổ hệ thống thuế cuối cùng là vào năm 2020. Đấy là chưa kể tới vô vàn thủ tục mang tính kỹ thuật sẽ phải thực hiện, đồng nghĩa các tập đoàn đa quốc gia vẫn có thể được hưởng “tự do” thêm một vài năm nữa.

Các tranh cãi thương mại vẫn là trọng tâm chi phối hội nghị, khi Mỹ và Trung Quốc tiếp tục cảnh báo áp thuế lẫn nhau, khiến các chuyên gia kinh tế lo ngại đây có thể trở thành trở ngại khó vượt đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho biết, các mức thuế trả đũa lẫn nhau giữa Mỹ và Trung Quốc có thể làm giảm 0,5% GDP toàn cầu vào năm 2020, tương đương 455 tỷ USD, đồng thời nhấn mạnh cần giải quyết các bất đồng để tránh nhấn chìm nền kinh tế thế giới vào một cuộc khủng hoảng mới.

Tuy nhiên, trong tuyên bố chung, các lãnh đạo tài chính G20 lại không đề cập vấn đề chủ nghĩa bảo hộ trong bối cảnh cuộc chiến thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc đang leo thang, cũng như không nhắc đến cụm từ “cần khẩn cấp giải quyết các căng thẳng thương mại” như trong bản dự thảo, do yêu cầu của Mỹ. Đây được xem là một bước lùi so thỏa thuận đạt được tại Hội nghị cấp cao G20 ở Argentina hồi năm ngoái. Theo nhận định của giới phân tích, nhiều khả năng Washington muốn ngăn chặn mọi rào cản có thể kiềm chế chính sách tăng thuế nhằm vào hàng hóa Trung Quốc. Điều này được thể hiện qua việc Mỹ vẫn giữ lập trường cứng rắn khi khẳng định sẽ tiếp tục theo đuổi các cuộc đàm phán thương mại song phương bằng cách sử dụng đòn tăng thuế như một công cụ trên bàn thương lượng.

Dù thế, Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc ngân hàng trung ương G20 cũng đạt được một số thành công nhất định, như thể hiện sự thống nhất cao độ của các thành viên G20 trong việc thúc đẩy tăng cường tính minh bạch trong hoạt động vay và cho vay, cũng như bảo đảm phát triển cơ sở hạ tầng cho các quốc gia đang phát triển theo hướng bền vững hơn. G20 cũng lần đầu thừa nhận vấn đề già hóa dân số đang đặt ra các thách thức, đòi hỏi sự phối hợp các chính sách tài chính, tiền tệ, thuế khóa và cấu trúc.

Những bất đồng và khác biệt tại hội nghị lần này cho thấy các nhà lãnh đạo tài chính G20 vẫn còn thiếu quyết tâm cũng như nỗ lực chung nhằm giải quyết vấn đề chủ nghĩa bảo hộ toàn cầu. Việc các nền kinh tế G20 tiếp tục né tránh giải quyết những căng thẳng thương mại đang đặt ra thách thức lớn cho Hội nghị cấp cao G20, dự kiến diễn ra vào cuối tháng này tại Nhật Bản.