Thách thức kép của nước Pháp

Nước Pháp đang cùng lúc phải đối phó với hai thách thức lớn là “bóng ma khủng bố” và mối lo kinh tế suy thoái trở lại bởi làn sóng dịch Covid-19 thứ hai. Hai thách thức này cũng được xem là “lửa thử vàng” với chính quyền của Tổng thống Emmanuel Macron.

Biếm họa của TOM JANSSEN
Biếm họa của TOM JANSSEN

Những ngày gần đây, nước Pháp chìm trong nỗi lo khủng bố. Nửa thập kỷ trước, vào ngày 13-11-2015, những phần tử Hồi giáo cực đoan đã đồng loạt tiến hành các vụ tiến công đẫm máu ở Thủ đô Paris, cướp đi sinh mạng của 130 người, gây hoang mang trên toàn nước Pháp. Nay “bóng ma khủng bố” quay trở lại ám ảnh người dân Pháp khi liên tiếp xảy ra các vụ tiến công tại nhiều địa phương trên khắp cả nước. Vụ sát hại một giáo viên dạy Lịch sử và vụ tiến công bằng dao tại nhà thờ Notre-Dame ở TP Nice khiến nước Pháp được đặt trong tình trạng báo động an ninh ở mức cao nhất. Vụ việc khiến nhiều người liên tưởng đến làn sóng khủng bố của những đối tượng Hồi giáo cực đoan hồi năm 2015, sau khi tòa soạn báo Charlie Hebdo đăng tải bức biếm họa về nhà tiên tri Mohammed của người Hồi giáo. Nhiều binh sĩ được triển khai để bảo vệ các địa điểm quan trọng như nơi thờ tự và trường học.

Pháp và Đức đã nhất trí siết chặt an ninh biên giới của Liên hiệp châu Âu (EU) nhằm ngăn chặn mối đe dọa khủng bố, sau các vụ tiến công của các phần tử Hồi giáo cực đoan khiến tám người thiệt mạng ở Paris, Nice và Vienna (Áo) chỉ trong một tháng. Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gerald Darmanin khẳng định, nước này đang trong một cuộc chiến chống lại khủng bố ở cả bên trong và bên ngoài. Bộ Ngoại giáo Pháp đã phải gửi thư điện tử tới tất cả công dân Pháp đang sinh hoạt và làm việc tại TP Jeddah của Saudi Arabia, yêu cầu “cảnh giác tối đa, tránh xa mọi nơi đông người cũng như thận trọng khi đi lại” do lo ngại vấn đề an ninh sau vụ đánh bom vừa xảy ra tại thành phố này. 

Theo thống kê của Trung tâm phân tích khủng bố của Pháp, giai đoạn 2013 - 2019, nước này đã phải hứng chịu 14 vụ tiến công, ngoài ra còn có nhiều vụ tiến công bất thành hoặc bị ngăn chặn. Các chuyên gia an ninh cảnh báo, bản chất của các mối đe dọa với nước Pháp đã thay đổi khi các mối đe dọa này không còn chủ yếu đến từ các tổ chức khủng bố nước ngoài hoặc các tay súng trong nước được tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) huấn luyện, mà đã chuyển sang các phần tử tiến công theo kiểu “sói đơn độc”. Các phần tử này đặc biệt nguy hiểm bởi chúng bị tiêm nhiễm các tư tưởng cực đoan của IS, song chưa bị liệt vào “danh sách đen” của  các cơ quan an ninh.

Bên cạnh mối lo khủng bố, nước Pháp còn chìm trong nỗi lo đại dịch Covid-19 tái bùng phát và kinh tế suy thoái trở lại. Trước làn sóng dịch Covid-19 nghiêm trọng thứ hai, tuần qua, cảnh sát Pháp đã tăng cường kiểm soát tại Thủ đô Paris để bảo đảm người dân tuân thủ các quy định nghiêm ngặt về phòng dịch. Theo lệnh giãn cách xã hội hiện nay tại Pháp, mọi người phải ở trong nhà trừ trường hợp đi mua thực phẩm và hàng hóa thiết yếu, hoặc tập thể dục. Những người đi ra ngoài phải mang theo giấy tờ có chữ ký hợp lệ để xác minh lý do ra khỏi nhà. 

Các chuyên gia kinh tế cảnh báo, biện pháp gia tăng giãn cách xã hội nói trên có nguy cơ đẩy kinh tế Pháp suy thoái trở lại trong những quý tới. Theo Cơ quan thống kê quốc gia Insee của Pháp, nền kinh tế nước này đã phục hồi mạnh mẽ, tăng trưởng tới 18,2% trong quý III sau khi biện pháp phong tỏa phòng dịch được dỡ bỏ. Tuy nhiên, Bộ trưởng Kinh tế Bruno Le Maire dự báo, kinh tế Pháp vẫn trong tình trạng suy thoái trong cả năm 2020 do nước này tái phong tỏa để ngăn chặn làn sóng thứ hai của dịch. Bộ Tài chính Pháp nhận định, các hoạt động kinh doanh tại Pháp sẽ giảm sút khoảng 15% trong trường hợp nước này áp đặt trở lại lệnh phong tỏa kéo dài bốn tuần, giải pháp từng được chính phủ thực hiện hồi tháng 4 vừa qua.

Các thách thức nêu trên đang trở thành “lửa thử vàng” với năng lực lãnh đạo và xử lý khủng hoảng của Chính phủ Pháp. Giới phân tích cho rằng, việc giải quyết “thách thức kép” hiện nay sẽ quyết định sự thành bại trong cả nhiệm kỳ hiện nay cũng như cơ hội tái đắc cử của Tổng thống E.Macron.