Thách thức gia tăng với kinh tế EU

Các nhà lãnh đạo các quốc gia thuộc Liên hiệp châu Âu (EU) bước vào Hội nghị cấp cao của khối trong bối cảnh khu vực đang đối mặt những thách thức kinh tế ngày càng lớn do làn sóng Covid-19 thứ hai bùng phát. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vừa cảnh báo, nền kinh tế Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) sẽ chứng kiến một cú sốc lịch sử trong năm 2020.

Biếm họa của OSAMA HAJJAJ
Biếm họa của OSAMA HAJJAJ

Các nền kinh tế thuộc Eurozone đã suy giảm tăng trưởng tới 11,8% trong quý II - 2020, sau khi “cơn bão” Covid-19 quét qua khu vực này hồi đầu năm. Sau khi các quốc gia “lục địa già” khống chế được đại dịch, kinh tế châu Âu nói chung và Eurozone nói riêng đã phục hồi tăng trưởng, đạt mức 8,2% trong quý III vừa qua. Tuy nhiên, khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh trở lại những tuần gần đây, kinh tế châu Âu lại đối mặt nguy cơ lún sâu vào khủng hoảng.

Các số liệu thống kê cho thấy, đà suy giảm kinh tế của các quốc gia  EU nói chung và Eurozone nói riêng đang tỷ lệ thuận với tốc độ lây lan của làn sóng Covid-19 thứ hai ở châu lục này. Hãng nghiên cứu thị trường IHS Markit mới đây nhận định, đà phục hồi kinh tế ở Eurozone đang mất động lực khi chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) đã giảm từ mức 51,9 điểm trong tháng 8 xuống 50,1 điểm trong tháng 9. Tỷ lệ thất nghiệp tại 19 quốc gia thuộc Eurozone đã tăng lên 8,1% trong tháng 8-2020, từ mức tương ứng 7,9% của tháng 7. Các chuyên gia kinh tế dự báo, tỷ lệ này sẽ tăng mạnh hơn nữa trong những tháng tới, khi nhiều nước phải tái áp đặt các lệnh hạn chế đi lại.

Bức tranh kinh tế của từng quốc gia thành viên EU cũng đang chuyển gam mầu xám. Tại nền kinh tế số một châu Âu là Đức, Ngân hàng Trung ương (Bundesbank) vừa cảnh báo các ngân hàng nước này cần chuẩn bị cho trường hợp số công ty vỡ nợ gia tăng trong quý tiếp theo, trong bối cảnh khủng hoảng dịch bệnh đẩy các công ty yếu kém vào tình cảnh khó khăn. Do lệnh hoãn trả nợ đối với các công ty vỡ nợ đã hết hiệu lực, Bundesbank cho biết số doanh nghiệp vỡ nợ có thể tăng hơn 35%, tới hơn 6.000 công ty/quý, mức cao nhất kể từ năm 2013. 

Còn tại Bồ Đào Nha, chính phủ dự báo tăng trưởng kinh tế nước này sẽ giảm ở mức 8,5% trong năm nay do dịch bệnh, cao hơn so dự báo trước đó là 6,9%. Bộ Tài chính Bồ Đào Nha nhận định, tăng trưởng GDP nước này sẽ giảm ở mức cao nhất kể từ thời kỳ chiến tranh. Ngoài ra, IMF nhận định, Tây Ban Nha là nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất, với GDP được dự báo giảm 12,8%; GDP của Italia có thể mất 10,6%, mức giảm ở Pháp là 8,3%, của Đức là 6%. Trong khi đó, Anh - quốc gia không còn là thành viên EU - sẽ chứng kiến mức suy giảm 9,8% trong năm nay và tăng trưởng 5,9% vào năm 2021. 

Cũng trong báo cáo nói trên, IMF cảnh báo kinh tế Eurozone sẽ chứng kiến một cú sốc lịch sử trong năm 2020. Theo đó, tăng trưởng kinh tế của Eurozone sẽ suy giảm 8,3% trong năm nay, một “cú rơi tự do” chưa từng thấy kể từ sau cuộc Đại suy thoái những năm 1930. Bên cạnh đó, IMF nhấn mạnh, kịch bản Anh và EU không đạt thỏa thuận thương mại trước ngày 31-12 tới “sẽ làm tăng cái giá phải trả đối với doanh nghiệp và làm đứt quãng các thỏa thuận sản xuất xuyên biên giới đang tồn tại”. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, dự báo nói trên vẫn tích cực hơn mức dự báo hồi tháng 6 của IMF là suy giảm 10,2%. 

Trong khi châu Âu vẫn chưa có giải pháp y tế hữu hiệu nào ngăn chặn đại dịch Covid-19 bùng phát trở lại, IMF cảnh báo nền kinh tế Eurozone sẽ chỉ có thể đạt tăng trưởng 5,2% vào năm 2021, tức là yếu hơn mức 6% trong dự báo trước và thấp hơn 1% so dự báo trước đó của EU. IMF nhận định, tình hình dịch bệnh và kinh tế sẽ còn tệ hơn trong những tháng mùa đông tới. Vì vậy, tổ chức này khuyến cáo các nước thành viên EU chi tiêu “mạnh tay” hơn để ngăn chặn các cú sốc kinh tế do dịch bệnh gây ra.

Trong bối cảnh một cuộc đại khủng hoảng đang “gõ cửa” châu Âu như trên, chắc chắn rằng chống làn sóng Covid-19 thứ hai và phục hồi tăng trưởng kinh tế khu vực sẽ trở thành những chủ đề “nóng” tại Hội nghị cấp cao của các quốc gia thuộc “mái nhà chung châu Âu” diễn ra vào hôm nay (15-10).