Thách thức cho hòa bình

Bên cạnh một số động thái thiện chí thì lực lượng Taliban vẫn liên tiếp gây ra những vụ tiến công nhằm vào các mục tiêu quân sự và cả dân thường ở Afghanistan. Không như kỳ vọng, thỏa thuận mang tính bước ngoặt được ký kết giữa Mỹ và Taliban hồi tháng 2 vừa qua hiện chưa thể giúp chấm dứt 19 năm xung đột tại Afghanistan.

Biếm họa của MAARTEN WOLTERINK
Biếm họa của MAARTEN WOLTERINK

Ngày 12-5, một vụ đánh bom liều chết đã xảy ra ở tỉnh Nangarhar, miền đông Afghanistan, làm hàng chục người thương vong. Theo AFP, vụ đánh bom xảy ra ngay tại đám tang của một chỉ huy cảnh sát ở tỉnh này. Hung thủ đã kích hoạt khối thuốc nổ khi đang ở giữa đám tang, khiến ít nhất 40 người thiệt mạng và bị thương. Hiện chưa có nhóm nào nhận thực hiện vụ tiến công trên, song Taliban được xem là đứng sau vụ bạo lực này. Cùng ngày, Bộ Nội vụ Afghanistan thông báo các tay súng đã tiến công một bệnh viện của tổ chức Bác sĩ không biên giới ở khu vực phía tây Thủ đô Kabul của Afghanistan. Đã có ít nhất tám người thiệt mạng và một số khác bị thương trong vụ tiến công. Phiến quân Taliban tiếp tục bị giới chức Afghanistan nghi ngờ là thủ phạm.

Trước đó, ngày 11-5, Reuters cho biết, phiến quân Taliban đã tiến công một trạm kiểm soát quân sự ở tỉnh Laghman, miền đông Afghanistan, khiến ít nhất sáu binh sĩ thiệt mạng và năm người bị thương. Cùng ngày, bốn quả bom gài bên đường đã liên tiếp phát nổ tại Thủ đô Kabul, khiến bốn người bị thương, trong đó có một trẻ em. Theo giới chức Afghanistan, phiến quân Taliban đã tiến hành hơn 4.000 vụ tiến công kể từ đầu tháng 3 vừa qua, khiến gần 3.000 người thiệt mạng bao gồm cả dân thường. Trong vài tuần qua, Taliban đã chuyển sang chiến lược tiến công mới nhằm vào các cột điện cao thế, phá hủy nhiều cây cầu, đường sá… tại nhiều tỉnh khác nhau.

Những cuộc tiến công của Taliban được thực hiện song song động thái thả tù nhân của lực lượng này. Ngày 10-5, Taliban đã thả thêm 28 tù nhân của Chính phủ Afghanistan đang bị nhóm này giam giữ. Đến nay, Taliban đã thả tổng cộng 148 nhân viên chính phủ, phù hợp thỏa thuận hòa bình được ký với Mỹ. Đổi lại, người phát ngôn của Văn phòng Hội đồng An ninh Quốc gia Afghanistan, ông Javid Faisal cho biết, Chính phủ Afghanistan đã thả 1.000 tù binh Taliban, đồng thời yêu cầu phiến quân ngừng sát hại người Afghanistan và sớm bắt đầu đàm phán trực tiếp.

Bạo lực tiếp tục leo thang tại Afghanistan cho thấy quốc gia Nam Á này vẫn đối mặt nhiều thách thức trên con đường hướng tới nền hòa bình lâu dài, ngay cả khi Mỹ và Taliban đạt được thỏa thuận hòa bình ngày 29-2 tại Doha (Qatar). Theo thỏa thuận, Mỹ và lực lượng nước ngoài cam kết rút quân khỏi Afghanistan trước tháng 7-2021, qua đó chấm dứt cuộc chiến dài nhất mà Mỹ từng tham gia. Về phần mình, Taliban đưa ra một số bảo đảm về an ninh và tiến hành đàm phán với đại diện Chính phủ Afghanistan. Báo cáo mới nhất của Phái bộ hỗ trợ của LHQ tại Afghanistan (UNAMA) cho biết, xung đột diễn ra trong ba tháng đầu năm nay tại Afghanistan đã khiến gần 1.300 dân thường thương vong, trong đó có 152 trẻ em và 60 phụ nữ. Số dân thường thiệt mạng tăng 20% so ba tháng đầu năm 2019.

Trải qua nhiều cuộc đàm phán giữa các bên tham chiến là Chính phủ Afghanistan, Mỹ và Taliban, song tới nay mọi nỗ lực tìm kiếm hòa bình cho quốc gia Nam Á này vẫn bế tắc. Theo nhận định của giới phân tích, việc Taliban “vừa đánh vừa đàm” cho thấy lực lượng này vẫn chưa hoàn toàn quyết tâm đi đến cùng trong các cuộc đàm phán hòa bình, mà luôn gây sức ép buộc chính quyền Kabul phải nhượng bộ nhiều hơn nữa. Ở chiều ngược lại, dù đã có một số nhân nhượng nhất định song các đại diện Chính phủ Afghanistan cũng không muốn xuống thang hơn nữa nhằm ngăn chặn ý định lấn tới của phiến quân. Trong khi đó, kể từ khi thỏa thuận với Taliban được ký kết, Mỹ vẫn chưa có thêm động thái nào kéo các bên liên quan xung đột tới bàn đàm phán.

Trong bối cảnh đó, thế giằng co ở Afghanistan vẫn tiếp diễn, không chỉ có nguy cơ đẩy bản thỏa thuận Mỹ - Taliban tới bờ vực sụp đổ, mà còn có thể “đóng băng” các cuộc đàm phán trong tương lai giữa Taliban và Chính phủ Afghanistan. Thiếu lòng tin và quyết tâm khôi phục hòa bình là những nguyên nhân khiến cánh cửa tới nền hòa bình lâu dài ở quốc gia Nam Á này vẫn còn xa vời.