Thách thức an ninh nghiêm trọng

Sau khi Mỹ đơn phương rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), Tổng thống Nga V.Putin bày tỏ lo ngại nguy cơ bùng phát “một cuộc chạy đua vũ trang không giới hạn”. Để tránh một cuộc đua hỗn loạn không luật lệ, các nước kêu gọi Nga và Mỹ cân nhắc mọi hậu quả và tiến hành đối thoại nghiêm túc.

Biếm họa của LUOJIE
Biếm họa của LUOJIE

Ngày 5-8, Tổng thống Nga V.Putin chỉ trích việc Mỹ đơn phương rút khỏi INF đã phá hủy một trong những văn kiện nền tảng trong lĩnh vực kiểm soát vũ khí, làm phức tạp tình hình thế giới, tạo ra nhiều rủi ro lớn cho mọi quốc gia. Tổng thống Putin yêu cầu Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao, cùng Cục Tình báo đối ngoại Nga (SVR) theo dõi sát các động thái tiếp theo của Mỹ về phát triển, sản xuất và triển khai tên lửa tầm ngắn và tầm trung.

Điện Kremlin cảnh báo, trong trường hợp nhận được thông tin chính xác về việc Mỹ đã hoàn tất phát triển và bắt đầu sản xuất các hệ thống tên lửa này, Nga sẽ buộc phải bắt tay vào phát triển toàn diện các tên lửa tương tự. Tuy nhiên, người đứng đầu nước Nga nêu rõ những bước đi của Moscow chỉ mang tính đáp trả, chứ không phải hành động đơn phương. Nga sẽ không triển khai tên lửa tầm ngắn và tầm trung tại những khu vực mà Mỹ không triển khai các loại tên lửa tương tự.

Theo ông Putin, những hành động của Mỹ nhằm hủy bỏ INF có thể làm lung lay toàn bộ cấu trúc an ninh toàn cầu hiện nay, bao gồm cả Hiệp ước hạn chế và cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược (START) và Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT).

Căng thẳng về INF khiến nhiều nước trên thế giới quan ngại. Tổng Thư ký LHQ A.Guterres đã hối thúc Mỹ và Nga sớm tìm kiếm một thỏa thuận theo “cùng một hướng đi mới” nhằm kiểm soát vũ khí. Ông Guterres ca ngợi hiệp ước INF là một thỏa thuận mang tính bước ngoặt giúp ổn định châu Âu, chấm dứt chiến tranh lạnh và nhấn mạnh khi hiệp ước này hết hiệu lực ngày 2-8, thế giới sẽ mất đi một công cụ vô giá nhằm kìm hãm cuộc chiến hạt nhân. Một loạt quốc gia và tổ chức quốc tế đã kêu gọi Nga - Mỹ đối thoại để “đảo ngược” quyết định trên và tránh một cuộc chạy đua vũ trang mới.

Ngày 2-8 vừa qua, Mỹ đã chính thức rút khỏi INF với cáo buộc Nga vi phạm hiệp ước này và từng ít nhất một lần triển khai loại tên lửa bị cấm trong hiệp ước, dù Moscow luôn bác bỏ những cáo buộc này. INF được Mỹ và Liên Xô (trước đây) ký ngày 8-12-1987 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1-6-1988. Theo đó, hai bên cam kết không sản xuất, thử nghiệm, triển khai các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình trên mặt đất tầm trung và tầm ngắn (từ 500 - 5.500 km). Theo Moscow, Mỹ tạo cớ rút khỏi hiệp ước để có thể tự do phát triển những loại tên lửa mới. Thứ trưởng Ngoại giao Nga S.Ryabkov kêu gọi Mỹ thực thi một lệnh đình chỉ triển khai các tên lửa hạt nhân tầm trung sau khi rút khỏi INF.

Không chỉ việc Mỹ rút khỏi INF gây lo ngại về nguy cơ chạy đua vũ trang trên thế giới, mà việc Nga và Mỹ chưa xem xét gia hạn START mới, sẽ hết hiệu lực vào năm 2021, cũng khiến cộng đồng quốc tế quan ngại. Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton cho rằng, START mới, còn gọi là START-3, chưa hoàn thiện và vì vậy nhiều khả năng sẽ không được gia hạn sau thời điểm tháng 2-2021. START mới được Mỹ và Nga ký năm 2010, có hiệu lực vào ngày 5-2-2011. Hiệp ước quy định mỗi bên cắt giảm kho vũ khí tiến công chiến lược của mình sau bảy năm kể từ ngày hiệp ước có hiệu lực và trong tương lai. Hiệp ước cũng bắt buộc Nga và Mỹ trao đổi thông tin về số lượng đầu đạn và phương tiện phóng hai lần mỗi năm. Nga coi START mới là “hòn đá tảng đối với an ninh thế giới”, song Washington nhiều lần đề cập khả năng không gia hạn hiệp ước này.

Việc Mỹ chính thức rút khỏi INF và Hiệp ước START-3 có khả năng không được gia hạn đang dẫn đến nguy cơ leo thang cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân Nga - Mỹ, đặt thế giới trước thách thức an ninh nghiêm trọng. Bởi vậy, Bộ trưởng Ngoại giao Đức Heiko vừa kêu gọi Washington và Moscow ngay từ bây giờ cam kết gia hạn Hiệp ước START-3. Ông Heiko nhấn mạnh, điều đó sẽ cho phép các bên có thời gian điều chỉnh thỏa thuận với các điều kiện mới và đây sẽ là “tín hiệu an toàn cực kỳ cần thiết trong những thời điểm không an toàn”.