Nút thắt khó gỡ

Cuối tuần qua, vòng đàm phán thứ tư về thỏa thuận thương mại sau khi Anh rời Liên hiệp châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, đã kết thúc mà không đạt được kết quả đáng kể nào. Giới phân tích dự báo, trong trường hợp Anh rời EU theo kế hoạch mà không đạt được các thỏa thuận về thương mại và quan hệ song phương, những tổn thất với nền kinh tế nước này là khôn lường.

Biếm họa của ENRICO BERTUCCIOLI
Biếm họa của ENRICO BERTUCCIOLI

Dù các vòng đàm phán “hậu Brexit” giữa Anh và EU đã được nối lại, nhưng tiến trình đàm phán vẫn chẳng mấy tiến triển do hai bên không đạt được thỏa thuận đáng kể nào. Sau vòng đàm phán mới nhất hôm 5-6, Trưởng đoàn đàm phán EU Michel Barnier cho biết, giữa hai bên vẫn tồn tại những bất đồng lớn trong bốn vấn đề chủ chốt là đánh bắt cá, sân chơi bình đẳng, quyền cơ bản trong tư pháp hình sự và quản trị mối quan hệ đối tác trong tương lai. Theo ông Barnier, các tiêu chuẩn về xã hội, môi trường, tài chính hay khí hậu còn xa mới đạt được mục tiêu đề ra.

Để phá vỡ bế tắc, trước vòng đàm phán cuối tuần qua, cả hai bên hối thúc lẫn nhau tìm kiếm quyết tâm chính trị để tạo bước đột phá. Anh kêu gọi EU điều chỉnh quan điểm để tháo gỡ nút thắt cơ bản trong đàm phán giúp hai bên tiến tới thỏa thuận vào cuối năm nay. Tuy nhiên, thay bằng việc đạt được một thỏa thuận, kết thúc vòng đàm phán, hai bên chỉ thống nhất là họ sẽ đàm phán tiếp. Theo đó, Thủ tướng Anh Boris Johnson và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen sẽ gặp nhau để quyết định sẽ tiến hành các cuộc đàm phán tiếp theo như thế nào.

Ông Barnier đã chỉ trích rằng, các nhà đàm phán Anh đang đi ngược lại những cam kết đã được đưa ra, khi Thủ tướng Boris Johnson ký một tuyên bố chính trị với các thành viên EU vào năm ngoái. Ông cũng cáo buộc London đã không tôn trọng các điều khoản trong thỏa thuận rút lui. Các quốc gia thành viên EU cũng lên tiếng thúc giục Anh có cách tiếp cận thực tế hơn trong đàm phán Brexit. Cuối tuần qua, trong phát biểu ở Trung tâm Chính sách châu Âu, Đại sứ Đức tại EU Michael Clauss cho rằng, London cần phải có cách tiếp cận thực tế hơn để đạt được thỏa thuận vào cuối năm nay.

Về phía Anh, tờ Daily Mail vừa cho biết, Thủ tướng Boris Johnson sẵn sàng chấp nhận đề xuất về thuế của EU nhằm vào một số mặt hàng của Anh nhằm đạt được một thỏa thuận thương mại và phá vỡ thế bế tắc trong đàm phán với EU. Theo tờ báo, Trưởng đoàn đàm phán của Anh David Frost đã đưa ra đề xuất quan trọng nói trên. Tuy nhiên, ông Frost nhấn mạnh, quan điểm đàm phán hiện tại của EU trong những lĩnh vực chính khó có thể giúp hai bên tiến tới một thỏa thuận. Trưởng đoàn đàm phán Anh cho rằng, EU hiện có quá nhiều vấn đề cần quan tâm nên để hai bên có thể tiến tới thỏa thuận thì EU cần dành sự “tập trung chính trị” cho các cuộc đàm phán.

“Xứ sở sương mù” đã rời EU hôm 31-1 vừa qua, nhưng những điều khoản chính trong quan hệ song phương tạm thời vẫn duy trì theo mô hình cũ cho tới khi giai đoạn chuyển tiếp kết thúc vào cuối năm 2020. Trước khi giai đoạn chuyển tiếp kết thúc, London và EU phải đàm phán để đạt được một thỏa thuận thương mại song phương, bảo đảm không gián đoạn hoạt động giao thương sau giai đoạn chuyển tiếp. Nếu hai bên không thể đạt thỏa thuận đúng hạn chót thì đây sẽ là viễn cảnh “họa vô đơn chí” với hoạt động thương mại toàn cầu, trong bối cảnh chuỗi cung ứng đã bị hỗn loạn bởi đại dịch Covid-19. Hiện tại, quỹ thời gian còn lại là rất hạn hẹp, nhưng Thủ tướng Anh kiên quyết phản đối khả năng gia hạn giai đoạn chuyển tiếp, trong khi EU cho rằng cần gia hạn thời gian chuyển tiếp thêm từ 1 - 2 năm để có thể hoàn thành đàm phán.

Giới phân tích quan ngại rằng, trường hợp hết hạn đàm phán cuối năm nay mà Anh và EU vẫn không gỡ được nút thắt về thỏa thuận, điều này sẽ tạo nên “thảm họa kép” với kinh tế Anh. Nước Anh đã chịu tổn thất kinh tế nặng nề vì Covid-19, nhưng các phân tích của Chính phủ Anh từng dự báo rằng, “kịch bản xấu nhất” Brexit không thỏa thuận có thể làm sản lượng kinh tế Anh giảm 8% trong vòng 15 năm so việc ở lại EU.