Nước cờ mạo hiểm

Đề nghị của Thủ tướng Anh Boris Johnson hoãn lịch làm việc Quốc hội nước này, dự kiến bắt đầu ngày 3-9 sang ngày 14-10, đã được Nữ hoàng Anh Elizabeth II chấp thuận. Động thái này cho thấy Chính phủ Anh muốn ngăn chặn khả năng các nghị sĩ đối lập cản trở kịch bản Anh rời khỏi Liên hiệp châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, mà không có thỏa thuận vào ngày 31-10 tới.

Biếm họa của DR.MEDDY
Biếm họa của DR.MEDDY

Sắp tới, Quốc hội Anh đáng lẽ quay trở lại làm việc sau kỳ nghỉ hè và khai mạc vào giữa tháng 9 theo thông lệ. Tuy nhiên, kế hoạch này đã thay đổi theo đề nghị của Chính phủ Thủ tướng Boris Johnson, nên Quốc hội có thể tiếp tục nghỉ một tháng cho đến khi Nữ hoàng Anh khai mạc kỳ họp mới vào ngày 14-10. Như vậy, các nghị sĩ “xứ sở sương mù” sẽ chỉ còn hai tuần làm việc trước thời hạn chót của Brexit, theo đúng kế hoạch là vào ngày 31-10.

Động thái trên của Thủ tướng Boris Johnson được cho là không sai về mặt kỹ thuật, song đã gây ra những phản ứng mạnh mẽ từ phía các đảng đối lập. Lãnh đạo Công đảng đối lập chính, ông Jeremy Corbyn và lãnh đạo đảng Tự do Jo Swinson đã viết thư cho Nữ hoàng Elizabeth II để bày tỏ sự phản đối việc hoãn lịch làm việc của Quốc hội. Ông Corbyn cho rằng kế hoạch hoãn lịch làm việc của Quốc hội là “vi phạm Hiến pháp” và đe dọa nền dân chủ quốc gia. Hàng nghìn người đã xuống đường tuần hành kêu gọi ông Johnson rút lại quyết định này và chỉ trích ý đồ của ông nhằm ngăn Quốc hội bác bỏ Brexit không thỏa thuận.

Từ khi lên nắm quyền cuối tháng 7, Thủ tướng Boris Johnson đã bộc lộ rõ kế hoạch đưa nước Anh chia tay EU cho dù có thỏa thuận hay không (Brexit “cứng”). Vướng mắc lớn nhất trong quá trình đàm phán Brexit giữa London và EU đến nay vẫn là về điều khoản được gọi là “chốt chặn”, vấn đề đường biên giới giữa vùng Bắc Ireland thuộc Anh và CH Ireland. EU không muốn có đường biên giới “cứng” giữa vùng Bắc Ireland và CH Ireland nhằm mở cửa cho người dân và hàng hóa từ EU vào đây.

Trong khi đó, ông Johnson từng nhiều lần tuyên bố rằng điều khoản “chốt chặn” phải được loại bỏ khỏi thỏa thuận “chia tay” để tránh xảy ra Brexit không thỏa thuận. Thủ tướng Johnson cho rằng, điều khoản này có thể khiến nước Anh bị ràng buộc với EU vô thời hạn. Chính vì tranh cãi chung quanh điều khoản “chốt chặn” mà Quốc hội Anh đã hai lần bác bỏ thỏa thuận Brexit mà cựu Thủ tướng Theresa May đã đạt được với EU, dẫn đến việc bà phải từ chức.

So người tiền nhiệm là bà Theresa May, ông Boris Johnson chủ trương đàm phán Brexit cứng rắn hơn với EU. Khi lên nhậm chức, Thủ tướng Johnson cho biết, châu Âu cần có cái nhìn “cởi mở” hơn về vấn đề Ireland. Dù không chủ trương lập biên giới “cứng”, nhưng các nhà đàm phán của Chính phủ Anh cũng đề cập triển khai một hệ thống hải quan thay thế trong thời kỳ chuyển giao hai năm sau khi tiến trình Brexit được kích hoạt.

Tại Hạ viện, chính phủ của ông Johnson đang ở thế đa số mong manh, chỉ hơn một phiếu quá bán. Vì vậy, khả năng Quốc hội thông qua một thỏa thuận Brexit “cứng” nếu ông đạt được với EU là rất thấp. Áp lực kép với London cũng đến từ việc bên ngoài thì EU không nhượng bộ, bên trong phe đối lập không đồng tình. Trong tình thế “đi cũng dở, ở không xong” như vậy, việc ông Johnson đề xuất kéo dài kỳ nghỉ của Quốc hội được cho là để các nghị sĩ đối lập không có nhiều thời gian bàn thảo, qua đó tạo thuận lợi cho kế hoạch Brexit “cứng” mà ông chủ trương.

Giới quan sát nhận định rằng, động thái đề nghị kéo dài kỳ nghỉ của cơ quan lập pháp cũng có thể giúp chính phủ của Thủ tướng Johnson tìm kiếm cơ hội xoay chuyển tình thế trong quá trình đàm phán lại Brexit với EU. Bởi, cả EU và Anh đều lo ngại Brexit “cứng” sẽ dẫn đến tình trạng hỗn loạn, gây bất lợi cho các bên, song EU lại không nhượng bộ với yêu cầu bỏ kế hoạch “chốt chặn” của London. Vì vậy, để tránh bế tắc tiếp diễn như với chính quyền tiền nhiệm, ông Johnson chọn cách gián tiếp gây sức ép lên cả EU và phe đối lập nhằm tìm kiếm lợi thế đàm phán với EU.

Tuy nhiên, đây được xem là nước cờ mạo hiểm khi bản thân Thủ tướng Johnson phải đối mặt một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm, đồng thời gây thêm chia rẽ sâu sắc trên chính trường “đảo quốc sương mù”. Một lần nữa. tiến trình Brexit tiếp tục làm người dân Anh lo ngại về tương lai sau khi rời “mái nhà chung” EU.