Nước cờ khôn ngoan

Mối quan hệ rạn nứt với Mỹ và phương Tây đã buộc Thổ Nhĩ Kỳ phải tính cách “xoay trục” sang các đối tác thân thiện hơn, chẳng hạn như Nga. Tuy nhiên, để thiết lập lá chắn vững chắc cho nền kinh tế, mới đây Thổ Nhĩ Kỳ đã công bố sáng kiến “Trở lại châu Á” nhằm tăng cường quan hệ toàn diện với châu Á do nhận thấy tầm quan trọng về kinh tế của khu vực này đối với thế giới.

Biếm họa của PODVITSKI
Biếm họa của PODVITSKI

Phát biểu ý kiến tại hội nghị các đại sứ tại Thủ đô Ankara mới đây, Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu lần đầu công bố sáng kiến “Trở lại châu Á”. Mục đích của sáng kiến này là cải thiện quan hệ với các quốc gia châu Á tại các khu vực khác nhau, thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực giáo dục, công nghiệp quốc phòng, đầu tư, thương mại, công nghệ, văn hóa và đối thoại chính trị.

Theo ông Cavusoglu, cộng đồng quốc tế đang cạnh tranh để được tham gia nhiều hơn tại châu Á do khu vực này đang trở thành trung tâm kinh tế của thế giới. Do đó, việc Thổ Nhĩ Kỳ là một phần của châu Á là rất giá trị, cũng giống như nước này là một phần của châu Âu. Việc Thổ Nhĩ Kỳ nằm giữa hai trụ cột thế giới khiến nước này trở nên đặc biệt, trong bối cảnh sức mạnh kinh tế đang chuyển dịch từ phương Tây sang phương Đông. Ông Cavusoglu nhấn mạnh, Thổ Nhĩ Kỳ kết nối châu Á với châu Âu và là cầu nối giữa Đông và Tây do vị trí địa lý, vai trò và các hoạt động kinh tế, song Thổ Nhĩ Kỳ không quay lưng với châu Âu vì sáng kiến này.

Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ, một đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trở nên căng thẳng do Ankara kiên quyết thực hiện hợp đồng mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga. Để đáp trả động thái này, Washington đã chính thức loại Ankara ra khỏi chương trình chế tạo máy bay tiêm kích tàng hình F-35 của NATO. Theo một điều luật được Quốc hội Mỹ thông qua năm 2017, Mỹ buộc phải áp đặt lệnh trừng phạt đối với những cá nhân liên quan các thương vụ vũ khí quan trọng với Nga. Tháng trước, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố sẽ chuyển sang mua máy bay chiến đấu của nước khác nếu Washington không bán máy bay F-35 cho Ankara.

Hồi tháng 12-2017, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã ký thỏa thuận cho vay để cung cấp các hệ thống tên lửa S-400. Hợp tác giữa hai bên trong vấn đề tên lửa đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ NATO và Mỹ, viện dẫn những quan ngại an ninh và sự không tương thích của S-400 với các hệ thống phòng không của NATO mà Thổ Nhĩ Kỳ cũng là một thành viên. Việc bị loại khỏi chương trình chế tạo máy bay này có thể khiến các doanh nghiệp quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ thiệt hại hàng tỷ USD.

Trong khi đó, giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Liên hiệp châu Âu (EU) cũng phát sinh căng thẳng do Ankara có các hoạt động thăm dò, khảo sát ngoài khơi đảo Cyprus tại khu vực đông Địa Trung Hải. Mối quan ngại của EU càng lớn khi một đồng minh trong NATO lại sở hữu các thiết bị quân sự tối tân của địch thủ là Nga. Trong tình huống như vậy, châu Âu cũng cần suy nghĩ kỹ hơn về sự quay lưng của Thổ Nhĩ Kỳ về phía đồng minh. Thổ Nhĩ Kỳ cũng từng nuôi tham vọng gia nhập EU, song sự chần chừ của châu Âu càng khiến họ khó khăn trong việc hối thúc Ankara kiểm soát dòng người di cư từ Trung Đông đến “miền đất hứa” ở các nước châu Âu.

Có không ít ý kiến cho rằng việc Thổ Nhĩ Kỳ bắt tay Nga và có ý định củng cố mối quan hệ toàn diện với châu Á là một “phép thử đồng minh” với Mỹ và EU, và Ankara có thể phải trả một cái giá cao khi chấp nhận quay lưng với các đồng minh truyền thống, dẫn tới thiệt hại lớn về chính trị và kinh tế. Cái giá này có thể còn phải trả bằng quyền lực của Tổng thống Erdogan. Tuy nhiên, trong khi tiếng nói của Ankara vẫn còn có trọng lượng và phương Tây vẫn chưa có hướng xử lý thích hợp, thì việc “xoay trục” sang châu Á và tiếp tục thúc đẩy quan hệ với Moscow vẫn được xem là nước cờ khôn ngoan, giúp Thổ Nhĩ Kỳ tăng cường vị thế trên toàn cầu.