Nối lại mắt xích bị thiếu

Ngày 19-2 vừa qua, Mỹ đã chính thức tham gia trở lại Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu (BĐKH) ký năm 2015. Đây là động thái cho thấy chính quyền của Tổng thống Joe Biden đang nỗ lực đưa nước Mỹ dẫn dắt nỗ lực của cộng đồng quốc tế ứng phó tình trạng BĐKH. 

Biếm họa của SHAHID ATIQULLAH
Biếm họa của SHAHID ATIQULLAH

Mỹ - quốc gia có lượng khí phát thải CO₂ lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc, đã chính thức rút khỏi hiệp định này vào tháng 11-2020 sau khi Tổng thống lúc đó là ông Donald Trump tuyên bố rút Mỹ khỏi Hiệp định. Tuy nhiên, Tổng thống Biden kế nhiệm đã từng cam kết đảo ngược quyết định này. Phát biểu ý kiến nhân dịp Mỹ chính thức quay lại Hiệp định, Tổng thống Joe Biden nhấn mạnh, đối phó cuộc khủng hoảng khí hậu là một trong những ưu tiên cao nhất của ông. Do đó, chỉ vài giờ sau khi nhậm chức hồi cuối tháng 1, Tổng thống Biden đã ký sắc lệnh hành pháp về việc Mỹ sẽ quay trở lại Hiệp định này. Theo ông Biden, BĐKH là một cuộc khủng hoảng toàn cầu và mang tính sống còn, do đó Mỹ sẽ không chậm trễ trong việc tham gia giải quyết vấn đề này.

Tổng thống Biden cũng cam kết đưa nội dung xử lý khủng hoảng khí hậu thành vấn đề ưu tiên trong chính sách đối ngoại của nước Mỹ. Ông cũng thông báo kế hoạch sẽ chủ trì một hội nghị cấp cao về khí hậu vào ngày 22-4 tới nhằm kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới thực hiện cam kết quốc gia đầy tham vọng là giảm lượng khí thải gây ra tình trạng ấm lên toàn cầu. 

Không dừng lại ở cam kết chung chung, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã chứng tỏ quyết tâm tham gia nỗ lực chống BĐKH toàn cầu khi công bố kế hoạch chi 2.000 tỷ USD trong nhiệm kỳ của ông nhằm gia tăng sử dụng năng lượng sạch trong các lĩnh vực giao thông vận tải, điện lực và xây dựng, đồng thời hạn chế sử dụng than đá và dầu khí. Ông Biden đã đặt ra mục tiêu loại bỏ các khí thải phát sinh từ nhiên liệu hóa thạch trong quá trình sản xuất điện từ năm 2035 và hướng Mỹ trở thành nền kinh tế trung hòa carbon vào giữa thế kỷ này.

Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken cho rằng, Hiệp định Paris về BĐKH là một khung hành động toàn diện chưa từng có vì Mỹ từng giúp thiết kế và thực hiện Hiệp định này. Ông Blinken nhấn mạnh, chống BĐKH sẽ một lần nữa là trung tâm của các ưu tiên chính sách đối nội và đối ngoại của Washington.

Lập tức, Tổng Thư ký (TTK) LHQ Antonio Guterres đã hoan nghênh việc Mỹ tham gia trở lại Hiệp định Paris về BĐKH và kêu gọi hành động ở mức độ toàn cầu để đạt được mức phát thải ròng bằng không vào năm 2050. Phát biểu ý kiến tại một sự kiện trực tuyến đánh dấu sự trở lại của Mỹ, TTK Guterres nêu rõ, đây là một tin tốt lành cho nước Mỹ nói riêng và thế giới chung. Theo ông, trong bốn năm qua, sự vắng mặt của Mỹ với tư cách là một bên đóng vai trò quan trọng đã tạo ra lỗ hổng trong Hiệp định Paris về BĐKH, có thể ví như “một mắt xích bị thiếu làm suy yếu toàn bộ”. 

TTK LHQ cũng kêu gọi Mỹ và các nước trên thế giới hành động để đạt được mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Ông nhấn mạnh, Hiệp định Paris là một thành tựu lịch sử, nhưng những cam kết đưa ra cho đến nay vẫn là chưa đủ. Thậm chí, nhiều cam kết được nêu ra trong văn bản này cũng chưa được thực hiện đầy đủ. Kể từ năm 2015, thời điểm các nước đàm phán và ký kết Hiệp định cũng là sáu năm thế giới nóng nhất. Mức khí thải carbon đang ở mức cao kỷ lục. Hỏa hoạn, lũ lụt và các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt khác đang ngày càng trở nên tồi tệ hơn ở mọi nơi trên thế giới. Ông nhấn mạnh, nếu không thay đổi hướng đi, như dần loại bỏ than đá, hỗ trợ một quá trình chuyển đổi công bằng, ngừng đầu tư vào các dự án nhiên liệu hóa thạch..., thì nhân loại có thể phải đối mặt với mức tăng nhiệt độ lên tới hơn 3°C trong thế kỷ này. 

Trong bối cảnh đó, Mỹ cùng tất cả thành viên của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) có vai trò quyết định trong việc thực hiện ba mục tiêu chính: tầm nhìn dài hạn, thập kỷ chuyển đổi và hành động khí hậu khẩn cấp nhằm thiết lập một nỗ lực chung ứng phó hiệu quả với tình trạng BĐKH ngày càng khốc liệt.